Những cái tết vơi

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/1/2018 | 8:06:43 AM

YBĐT - Mẹ thèm những cái tết ngày xưa được vất vả trong niềm háo hức. 

Thi gói bánh chưng. (Ảnh: Pa Ri)
Thi gói bánh chưng. (Ảnh: Pa Ri)


Mấy năm nay, mẹ kêu tết cứ buồn buồn, thiêu thiếu. Út ngồi điểm mặt từng người trong gia đình thấy đủ cả. Dù bận bịu mấy cũng đã gắng thu xếp về. Đồ đạc trong gia đình cũng chẳng thiếu gì. Nhà người ta sắm sửa thế nào, nhà mình cũng đủ đầy như vậy. Chẳng phải đua đòi gì đâu, chẳng qua là đời sống đã khá hơn.

Tết đến có muốn mua sắm gì cũng không còn khó khăn như nhiều năm về trước. Con cái đi công tác xa, mỗi đứa mang về một suất quà tết là bày chật bàn thờ, đầy ứ trong tủ lạnh. Ăn uống có là bao, năm nào cũng thừa thãi thịt thà, bánh kẹo đến ra Giêng ăn mãi không chịu hết.
 
Không chỉ sắm sửa chung mà các thành viên trong gia đình cũng rất biết quan tâm đến sở thích của nhau. Anh cả năm nào cũng chọn mua cây cảnh cho bố. Mà không phải hàng chợ nhé, đặt mua chỗ quen biết hẳn hoi. Bố cứ gọi là thích mê. Ba ngày tết, khách nào đến cũng thấy bố khoe cây cười giòn như pháo nổ.
 
Những giỏ cúc họa mi treo trên hiên nhà buông xuống từng nhánh vàng kiêu hãnh là quà xuân chị dâu mua tặng mẹ. Nhìn khắp nhà đâu cũng thấy hoa, trước khi no dạ dày đã đủ đầy con mắt. Nên tôi cứ tự hỏi không biết mẹ còn thấy thiếu thứ gì?

Mẹ cười bảo, tết vui đâu phải ở sự hưởng thụ, đủ đầy cũng không chỉ nằm ở khía cạnh vật chất. Ngày xưa nghèo là thế, thiếu thốn đủ bề mà ai cũng thấy tết vui. Cả năm chỉ háo hức đến tết dù những người đàn bà thừa biết sẽ phải bán thứ này, thiếu thốn đi vay người khác. Mới có thể lo được một cái tết tạm gọi là tươm tất theo cách của người nghèo với nửa cân thịt, vài ba gói mứt và áo mới cho con.
 
Niềm vui của tết xưa kéo dài cả nửa năm. Bắt đầu từ lúc mẹ chặt măng tươi mang về luộc lên phơi khô nhiều nắng rồi gói kín để dành cho món canh măng ngày tết. Củi đun bánh chưng cũng đã được chuẩn bị trước tết vài ba tháng. Chứ nước đến chân mới chạy, gặp trời mưa triền miên thì chỉ có đút tay vào bếp.
 
Khoảng tháng Mười là đã rục rịch rủ nhau ăn đụng thịt lợn tết. Đông thì mổ con to mà ít thì lợn nuôi vài chục cân cũng thịt. Lợn ngày xưa không lo cám tăng trọng, chỉ dọc mùng, sắn khô với ít cám gạo. Mổ ra chia mỗi nhà được ít nhưng thơm ngon từ miếng lòng dồi. 

Không nhiều tiền mua bánh kẹo nên nhà nào cũng chịu khó làm vài loại mứt bằng nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà. Mứt khoai, cà rốt, bí đao, thêm ít mứt quất vừa ngon lại vừa đẹp mắt. Nhưng đâu phải làm một mạch là xong.
 
Nay làm thứ này, mai ngào đường món kia rồi cất để dành trong từng hộp nhựa. Những bà mẹ bao giờ cũng thấy vui nhất lúc lũ con ngồi xổm xung quanh bếp, thò tay nhúp nháp lúc mứt còn bốc hơi ăn một cách thòm thèm.

Giờ thứ gì cũng sẵn ngoài chợ. Định gói bánh thì thằng út bảo: "Ăn bao nhiêu đâu mẹ ơi!”. Không như út của ngày ngồi nối lạt giang năn nỉ mẹ gói vài chiếc bánh chưng nhỏ xíu để cả tết xách lủng lẳng đi chơi. Định muối hành thì con gái can: "Mẹ bóc làm gì cho cay mắt” rồi mua về vài bịch dưa hành gói trong túi nilon.
 
Không còn cảnh xúm lại cùng xào nấu, trồng hoa, bày biện trong ngày tết. Ai cũng bận bịu với điện thoại, máy tính. Các thành viên trong gia đình vô tình đã tạo ra khoảng cách và cũng dần quên đi những niềm vui giản dị mà ấm cúng trong ngày tết. 

Mẹ nói, nhiều khi nhìn mâm cỗ ê hề, sờ tủ lạnh thấy toàn đồ ăn sẵn mà sợ. Tết nhất mà chỉ việc mặc quần áo đẹp ngồi xem phim hay chui tọt vào giường thảnh thơi buôn điện thoại thì kể cũng chán. Nên mẹ thèm những cái tết ngày xưa được vất vả trong niềm háo hức.

Vũ Thị Huyền Trang

Các tin khác
Bảo (trái) và Minh là hai trong 4 học sinh lớp 12 Lý 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, giành học bổng ASEAN. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bốn học sinh lớp 12 Lý 1, Trường chuyên Hà Nội-Amsterdam, cùng trúng tuyển Đại học Công nghệ Nanyang với học bổng ASEAN của chính phủ Singapore.

Em Bùi Khôi Nguyên (thứ 2 trái qua) đạt điểm toán tiểu học cao nhất thế giới và Lê Đình Trung Hiếu có điểm toán, khoa học cao nhất Việt Nam được vinh danh.

Em Bùi Khôi Nguyên (trường Tiểu học An Bình, Thành phố Thủ Đức) đạt điểm môn Toán Tiểu học cao nhất thế giới trong kỳ thi cấp chứng chỉ Pearson Edexcel.

Lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân trao học bổng cho em Dương Thị Mỹ Linh.

Đang tính nghỉ học vì khó khăn, con gái cựu binh Dương Văn Dũng (đã mất) được trường trao học bổng toàn phần, trị giá 120 triệu đồng.

Đinh Cao Sơn giành Huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2023. Ảnh: baohatinh.vn

Năm 2023 là một năm đáng nhớ với Đinh Cao Sơn, cựu học sinh trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Tĩnh, hiện là sinh viên K73A, Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sơn đã đạt Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế IchO, là thí sinh có số điểm cao nhất của đội Việt Nam, xếp thứ 7 trong số gần 350 học sinh đến từ 89 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục