Món bánh kỷ niệm

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/1/2018 | 1:48:00 PM

Cầm miếng bánh sắn trên tay, tôi mơ hồ nhớ về những kỷ niệm. Nhà tôi ở một xã nghèo thuộc vùng trung du. Đối với chúng tôi, cây sắn là nguồn thu nhập chính và cũng để lại nhiều ký ức đẹp của tuổi thơ. 

Nụ cười trẻ thơ.
(Ảnh: Hoàng Đô)
Nụ cười trẻ thơ. (Ảnh: Hoàng Đô)

Sáng nay, do mẹ phải đi lấy hàng sớm nên bố tôi phải đảm nhận nhiệm vụ lo bữa sáng cho chúng tôi. Đáng nhẽ là chị lớn trong nhà tôi phải lo việc đó nhưng có lẽ do bố thấy tôi đêm qua thức khuya học bài nên đã làm thay tôi.

Thấy bố mang về một túi bánh lớn, hai đứa em tôi ào ra tranh nhau chọn. Hùng cắn một miếng rồi nhăn mặt:

- Chị ơi! Sao bánh vừa cứng lại vừa chua chua, vị thì ngang ngang ý! Khó ăn lắm chị ạ!

- Phải rồi! Em cũng thấy thế! Bố mua bánh ở đâu vậy ạ? - Tiến cũng chen ngang vào.

- Hình như bố mua nhầm bánh rồi thì phải! Tại không hay đi chợ nên bố không biết hàng nào cả - bố áy náy giải thích với chúng tôi.

Tôi cũng cắn thử một miếng thì thấy đúng là cái vị ngai ngái, dù dẻo nhưng vẫn cảm thấy cưng cứng của sắn chứ không mềm như bột nếp. Hai đứa em tôi thật sành ăn, chúng bỏ đĩa bánh xuống và rủ nhau đi lấy bát úp mì. Chỉ còn tôi và bố ngồi ăn bánh ở bàn. 

Tôi chậm rãi nhai bánh và nhận ra một mùi vị quen thuộc:

- Ra là bánh sắn bố ạ! Lâu lắm rồi con mới lại được ăn bánh sắn bọc đường!

- Ừ! Ngày trước khó khăn thì hay ăn chứ bây giờ đa số họ chỉ dùng bột sắn để chăn nuôi thôi con ạ!

Cầm miếng bánh sắn trên tay, tôi mơ hồ nhớ về những kỷ niệm. Nhà tôi ở một xã nghèo thuộc vùng trung du. Đối với chúng tôi, cây sắn là nguồn thu nhập chính và cũng để lại nhiều ký ức đẹp của tuổi thơ. 

Tôi vẫn nhớ như in, những ngày trời mưa không thể ra đồng làm việc, cả nhà tôi lại quây quần cùng nhau bện chổi rơm.
 
Đến bữa, chúng tôi lại hò nhau nịnh mẹ làm bánh sắn. Mẹ phải lưỡng lự rất lâu mới dám bỏ ra cân đường phèn hảo hạng vẫn cất ở trong hòm cho chúng tôi làm bánh. Tôi giúp mẹ đun ấm nước sôi để nhào bột sắn. Bột sắn rất đặc biệt, nếu ai không biết mà dùng nước lã để nhào bột thì luộc bánh cả ngày hay rán bánh đến cháy đen thì bên trong lõi bánh, bột vẫn sống nguyên.

Mấy thằng em tôi, dù tay dính đầy đất đen nhẻm cũng xum xuê vào ngắt bột để nặn bánh. Những lúc như vậy, mẹ lại tét cho vài cái và bắt chúng đi rửa tay. 

Mẹ tôi rất khéo, chỉ một loáng, những chiếc bánh tròn tròn, xinh xinh, mỏng dẹp đã được xếp đầy kín vỉ hấp. Để tiết kiệm mỡ, bao giờ, mẹ tôi cũng hấp chín rồi mới mang rán cháy cạnh. 

Tôi thì dùng dao sắc, đặt phên đường lên thớt và bắt đầu lạng mỏng, sau đó gạt vào chảo lớn và cho lên bếp thắng. Lần nào, đường cũng bị hao đi ít nhiều vì hai đứa em tôi ngồi bên cạnh cứ chốc chốc lại nhúm một ít cho vào mồm.

Mẹ rán gần xong thì chảo đường của tôi cũng thắng kịp. Khi dùng đũa nhúng vào chảo đường rồi nhỏ vào bát nước lạnh, thấy đường thành giọt tròn trịa, nếm dẻo dẻo là có thể đổ bánh rán vào và xóc thật đều. Đến khi đường bao đều bên ngoài, biến những miếng bánh rán thành màu vàng cánh gián là có thể thưởng thức. 

Mẹ còn bảo chúng tôi gọi mấy đứa trẻ con hàng xóm sang ăn cùng. Cả nhà quây quần bên chảo bánh, vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon. Đến khi bánh hết, thằng em tôi lại liếm mép:

- Ước gì ngày mai lại mưa to mẹ nhỉ?

- Mưa to nữa để chết đói à? Mà nhà mình hết đường, hết mỡ rồi còn đâu - mẹ mắng yêu nó.
Thế là cái mặt nó lại xị ra khiến cho cả nhà tôi được một trận cười sảng khoái.

Rồi dần dần, kinh tế khá giả, nhà tôi chuyển ra phố. Nhưng do công việc bận rộn nên cả nhà tôi hầu như không còn có những bữa ăn ấm cúng như vậy nữa. Và chúng tôi cũng dần quên đi mùi vị ngọt thơm ngai ngái của món bánh sắn bao đường.
 
Nhớ lại những kỷ niệm tôi lại thấy bùi ngùi. Ngày đó, dù nghèo đói nhưng cả nhà tôi bữa cơm nào cũng quây quần trò chuyện. Còn bây giờ, khi đã đủ đầy, không khí đầm ấm đó cũng nhạt dần. 

Tôi chợt nhận ra có những điều thật giản dị nhưng lại là rất quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người chúng ta. Và món bánh sắn bọc đường ấy trong ký ức của tôi luôn đong đầy nỗi nhớ.

 Khánh Dung

Các tin khác
Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương) cũng là thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Gia Lai.

Giành 250 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm đầu tiên về với tỉnh Gia Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục