Cổ tích giữa đời thường

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/5/2020 | 8:15:17 AM

YênBái - Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, những ông Bụt hiền từ và bà Tiên nhân hậu chỉ có trong những câu chuyện cổ tích. Vậy mà, tôi lại được gặp một ông Bụt bằng xương bằng thịt ngay giữa đời thường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi là một đứa trẻ lang thang, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cuộc sống không gia đình đã khiến tôi - một đứa trẻ 7 tuổi, trở thành một thằng bé lưu manh đầu đường xó chợ. Tôi trôi dạt từ một miền quê nghèo đói về thành phố, nơi quanh năm náo nhiệt và sầm uất. 

Tôi gặp ông vào một hôm trời nắng thật đẹp, phủ kín bầu trời là một màu xanh ngắt, điểm xuyết trên nền trời trong xanh ấy là những đám mây màu trắng, hồng đang lững lờ trôi trông đến là nhàn tản. 

Tôi đang lê những bước chân nặng nhọc vì đói, dạo một vòng quanh chợ xem có ai thuê làm gì không. Bình thường, cứ vào giờ này là mấy bà bán phở lại gọi tôi đến để rửa bát. Một công việc buồn tẻ và xem ra cũng không hợp lắm với một thằng con trai như tôi nhưng nếu không làm thì cả ngày hôm ấy cái dạ dày của tôi sẽ lép kẹp vì không có gì cho vào. 

Tôi thầm tự hỏi: Hôm nay, các bà ấy đã quên mất mình hay sao ý nhỉ? Tôi cố đi một vòng quanh chợ, vẫn không thấy ai gọi. Thì ra đã có một cô em xinh xắn đến trước tranh việc. Thật may vì đó là một cô bé nếu không nó đã nhừ đòn vì dám tranh việc với tôi. Tôi lặng lẽ bỏ đi. 

Tôi thương nó, nhưng ai sẽ thương tôi đây, khi mà cái bụng đang biểu tình một cách ghê gớm, nó cứ sôi lên ùng ục. Ôm bụng đói, trong đầu tôi lại mang những suy nghĩ đen tối mà tôi đã giấu kĩ từ rất lâu. Trước đây, khi chưa tìm được công việc rửa bát ngoài chợ, để có thể lấp đầy cái bụng trống rỗng, tôi đã từng phải đi móc túi. 

Tôi biết đó là một việc làm đáng xấu hổ. Nhưng cứ nhớ lại những ngày tháng phải vật lộn để mưu sinh, có những hôm ba ngày liên tục không có gì bỏ vào bụng, phải nhặt đồ thừa trong sọt rác ăn; hay có lần móc được hai mươi nghìn đồng nhưng bị người ta đánh cho một trận tơi tả, tôi rùng mình và cảm thấy vô cùng sợ hãi.

Tôi đi loanh quanh ngoài cổng chợ, chợt nhìn thấy một ông già đã ngoài tuổi lục tuần. Dường như ông rất bận, bước chân đi có vẻ vội vàng. Hai tay ông đang xách rất nhiều đồ, chiếc túi thổ cẩm được ông vắt chéo qua người. 

Thật là thuận lợi, tôi đã tìm thấy đối tượng. Nghĩ thế, tôi nhanh chóng len mình qua đám đông, thật nhanh áp sát ông cụ, bàn tay bắt đầu thò sâu vào túi tìm tiền. Chẳng mấy chốc tôi đã tìm thấy tiền và rút tay ra khỏi túi. Tôi hí hửng định quay đi thì có một bàn tay giữ lấy tôi. Thì ra là chú bảo vệ chợ. 

Tôi hoang mang hết nhìn chú bảo vệ lại quay sang nhìn ông lão, thấy thật xấu hổ và ngượng ngùng. Trên đường về đồn, tôi cứ cúi gằm mặt xuống đường, thỉnh thoảng lén ngước lên nhìn trộm ông. Tôi cứ nghĩ ông sẽ rất tức giận và có khi còn đánh mắng tôi, nhưng sự thật thì ngược lại, ông vẫn luôn im lặng mà không hề tỏ ra tức giận. 

Về đến đồn, tôi thấy ông thì thầm to nhỏ với chú bảo vệ. Ở quá xa tôi không nghe thấy ông nói gì, chỉ thấy biểu cảm của chú bảo vệ lúc đầu rất tức giận nhưng về sau lại tươi cười, phấn chấn. Tôi càng cảm thấy bất an hơn. Sau đó, chú bảo vệ để tôi và ông ở lại với nhau. Ông chăm chú quan sát tôi rất lâu, rồi bỗng nhiên ông nói:

- Cháu có muốn về với ông không?

Đôi mắt tôi mở to hết cỡ, mồm há to không khép lại được, tôi không tin vào những gì mà mình vừa nghe được. Tôi ngượng ngùng nói nhỏ:

- Ông ơi! Cháu thành thật xin lỗi. Cháu không phải cố ý nhưng tại vì… tại vì… cháu đói quá, hai ngày nay, cháu chưa được ăn gì? Cháu xin ông, ông đừng bắt tội cháu, cháu không muốn vào trung tâm giáo dưỡng - vừa nói nước mắt tôi vừa tuôn ra không kìm được.

Ông lắc đầu, rồi xoa đầu tôi nhẹ bảo: 

- Đừng lo, ông không bắt tội cháu đâu. Ông chỉ muốn cho cháu một cơ hội để trở thành người có ích thôi. 

Rồi ông dắt tôi về nhà. Đó là một khu đất rộng có một dãy nhà cấp bốn dài với nhiều phòng nhỏ. Ở đó có đến 20 đứa trẻ ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Một nhóm đang giặt quần áo, nhóm lại tập trung nấu cơm, có mấy đứa con gái thì đang trông chừng mấy đứa nhỏ. Ông dắt tôi vào nhà, vừa đi vừa giải thích:

- Trước đây, ông từng đi bộ đội, sau chiến tranh, ông trở về cùng với một viên đạn trong người. Sau đó, ông được nhận vào làm bảo vệ tại trung tâm giáo dưỡng của tỉnh. Ông đã được nghe rất nhiều câu chuyện buồn của các bạn ở trong đó. Đến khi nghỉ hưu, ông và gia đình đã quyết định mở một xưởng làm bánh gai nhỏ - món bánh gia truyền của gia đình và bắt đầu nhận nuôi những em nhỏ bị bỏ rơi hoặc không có gia đình. Các bạn lớn ngoài giờ học sẽ giúp ông làm bánh và chăm sóc các em nhỏ hơn. Số tiền bán bánh đủ để ông lo cho các bạn. Đây là đại gia đình của ông. Vậy cháu có muốn gia nhập không?

- Cháu sẽ được ở đây hả ông? - tôi không kìm được cảm xúc nghẹn ngào hỏi.

- Tất nhiên rồi!

Tôi ôm chầm lấy ông, xúc động không nói lên lời. Vậy là tôi đã có một gia đình, một mái ấm chở che, bao bọc. Ánh mặt trời rực rỡ soi lên mái tóc bạc phơ của ông. Nước mắt nhòe đi. Tôi thấy trước mắt mình một ông Bụt thật hiền từ và nhân hậu.
Khánh Dung

Các tin khác
Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương) cũng là thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Gia Lai.

Giành 250 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm đầu tiên về với tỉnh Gia Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục