Hành trình 13 năm đến trường trên lưng ba của nam sinh liệt 2 chân

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/8/2022 | 3:16:36 PM

Bị liệt cả 2 chân, đôi bàn tay yếu ớt, Thành Đạt tự động viên mình vẫn là người may mắn khi được sở hữu bộ não sáng suốt.

Thành Đạt chụp cùng cô giáo chủ nhiệm cấp 3.
Thành Đạt chụp cùng cô giáo chủ nhiệm cấp 3.

Sau khi ăn sáng, Võ Thành Đạt được ba bế bổng lên và đặt vào phần yên sau của xe máy. Suốt quãng đường 13km từ nhà đến trường, ba hỏi Đạt về những môn học của ngày hôm đấy, về những người bạn cùng lớp hay những giảng viên trong khoa. Chốc chốc, chuẩn bị qua đoạn đường gồ ghề, Đạt lại được nhắc bám chặt vào phần eo của ba.

Đạt - 19 tuổi, đang là sinh viên năm nhất khoa Công nghệ Thông tin, Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP.HCM. Suốt 13 năm đèn sách, do bị liệt 2 chân và đôi tay yếu, em luôn được ba mẹ đưa đi, đón về. "Không ít lần em phải giấu những giọt nước mắt vì thương ba mẹ vất vả, nhọc nhằn vì em”, Đạt tâm sự.

Sinh ra được 2 tháng, bác sĩ chẩn đoán Đạt bị suy dinh dưỡng nặng. Dù ba mẹ chạy chữa khắp nơi, nhưng em mỗi ngày một gầy đi, đôi chân không thể di chuyển còn 2 bàn tay yếu ớt.

Lên lớp 1, nam sinh bị bạn bè trêu chọc vì ngoại hình và viết chậm hơn các bạn. Thế nhưng, hình ảnh người mẹ hàng ngày đi bộ 1km để cõng con đi học ăn sâu vào tâm trí em, là động lực để em cố gắng. Em bỏ ngoài tai tất cả để tập trung học tập, không phụ lòng ba mẹ.

Suốt những năm học phổ thông, nam sinh luôn đạt học sinh khá giỏi. Nhờ nghị lực, em được bạn bè, thầy cô yêu quý. Mỗi giờ ra chơi, em được các bạn cõng ra sân để cùng xem nhảy dây, đá cầu.


Thành Đạt được bạn bè yêu quý vì luôn nỗ lực trong học tập.

Ngày Đạt trúng tuyển Đại học An Giang, cả nhà vừa mừng, vừa lo. Kinh tế gia đình em vốn eo hẹp, tất cả đều trông chờ vào tiền công nghề thợ hồ của ba. Năm 2017, ba Đạt bất ngờ xảy ra tai nạn trong khi đang làm việc. Kể từ khi đó, sức khỏe của ba em ngày càng suy giảm và khả năng lao động không còn như trước. Thế rồi đại dịch COVID-19 ập đến, những công việc mà ba em khó khăn lắm mới xin được cũng đành hoãn.

Hiện mỗi ngày ba lặn lội quãng đường dài 13km để đưa em đến trường, rồi cõng em vào lớp. Thời gian còn lại trong ngày, ai thuê gì ba mẹ em làm việc đó.

"Bệnh tật khiến em không có khả năng di chuyển, đôi tay lại khá yếu ớt. Dù vậy, em không cho phép bản thân nghĩ tiêu cực khi mà bên cạnh em luôn có tình cảm đầm ấm của ba mẹ và vòng tay thân thương của bè bạn, thầy cô. Em không được phép tiêu cực khi em vẫn còn một bộ não sáng suốt và còn một đôi tay tuy không đủ mạnh mẽ để làm tất cả mọi thứ nhưng vẫn đủ để cầm viết, đủ để mở những trang sách”, 10x nói.


Thành Đạt nhận học bổng toàn phần dành cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường Đại học Quốc gia TP.HCM.

Để đỡ đần ba mẹ, Đạt cố gắng đạt thành tích tốt trong học tập để giành học bổng toàn phần của Đại học Quốc gia TPHCM. Nam sinh đặt mục tiêu tốt nghiệp loại giỏi/ xuất sắc và làm công việc liên quan đến lập trình web sau khi ra trường. Em cũng mong ước có thể kiếm tiền nuôi ba mẹ và đưa ba mẹ đi du lịch.

"Alexander Graham Bell từng nói: ‘Khi một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra’. Em là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Nhưng em có nghị lực, sự cần cù và khát vọng được học để mai này có một tương lai thật tươi sáng”, Đạt chia sẻ.

(Theo VTC)

Các tin khác
Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương) cũng là thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Gia Lai.

Giành 250 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm đầu tiên về với tỉnh Gia Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục