Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/7/2015 | 8:04:28 AM
Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm vừa được Chính phủ ban hành; trong đó quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết (Ảnh minh họa).
|
Nghị định nêu rõ, người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ:
- Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết gồm: Học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; tiền ăn trong thời gian thực tế học; chi phí đi lại (1 lượt đi và về) từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo cho người lao động ở cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên hoặc từ 10 km trở lên đối với địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Riêng người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở và trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu.
- Hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, visa, khám sức khoẻ, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.
- Hỗ trợ rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.
- Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu.
Hộ cận nghèo được vay 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài
Nghị định nêu rõ, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định hiện hành.
Còn người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức vay tối đa là 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Thời hạn vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động ghi trong hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Lãi suất vay vốn ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn theo quy định nêu trên.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong 6 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 56.173 lao động (16.942 lao động nữ), đạt 59,13% kế hoạch năm 2015 và bằng 101,75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có Công văn đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước tạm dừng việc tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp gửi tới phía Đài Loan để xin cấp phép cho lao động sang làm khán hộ công và thuyền viên tàu cá gần bờ.
Ngày 17/6, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội - LĐ-TB&XH), cho biết, Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ đặc biệt với Hàn Quốc đưa lao động sang làm việc tại nước này theo chương trình EPS (cấp phép mới).
YBĐT - Ngày 16/6, đoàn công tác của Trung ương do đồng chí Huỳnh Văn Tí - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái để đánh giá kết quả sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên hướng nghiệp dạy nghề vào trung tâm dạy nghề cấp huyện trên địa bàn tỉnh.