Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lục Yên: Gắn với nhu cầu thực tiễn

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/12/2015 | 10:09:14 AM

YBĐT - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) đạt hiệu quả cao. Số lượng lao động qua đào tạo nghề đều tăng hàng năm.

Giờ thực hành của lớp sửa chữa máy nông cụ tại xã Mai Sơn.
Giờ thực hành của lớp sửa chữa máy nông cụ tại xã Mai Sơn.

Đặc biệt, hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên, người học nghề đã tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

Tuy đã có kinh nghiệm chăn nuôi từ nhiều năm nhưng trước đây, chị Phạm Thị Nước ở thôn Sơn Bắc, xã Mai Sơn, huyện Lục Yên nuôi nhiều nhất cũng chỉ đến hai, ba trăm con gà. Muốn đầu tư chăn nuôi lớn để cải thiện kinh tế gia đình nhưng không được vì mỗi khi dịch bệnh ập đến, chị lại không có cách nào giải quyết được. Tháng 4/2015, chị được tham gia lớp học nghề chăn nuôi thú y mở tại xã. Sau 3 tháng, với kiến thức, kỹ năng học được, chị áp dụng ngay vào chăn nuôi của gia đình, từ vài trăm con gà, gia đình chị đã mạnh dạn nuôi tới hơn 1.000 con. Đàn gà của gia đình chị phát triển khỏe mạnh nhờ được phòng dịch đúng cách, cho ăn đúng liều lượng, cho tới tận lúc xuất bán vẫn không hề có dịch bệnh gì xảy ra. Thành quả ấy không chỉ là công sức, vốn liếng của gia đình mà còn là kết quả của quá trình áp dụng kiến thức chăn nuôi, phòng dịch của chị Nước vào thực tế.

Chị Nước chia sẻ: “Trước đây, do thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc đàn gà nên thường bị dịch bệnh, qua học lớp thú y, đến nay, tôi có kiến thức, kinh nghiệm, đem lại hiệu quả cao trong chăn nuôi gia cầm”.

Từ năm 2010 đến nay, tổng số LĐNT trên địa bàn huyện được hỗ trợ học nghề 7.092 người. Trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm và thu nhập sau đào tạo đạt 80%, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện lên 45%. Sau học nghề, nhiều học viên đã được các doanh nghiệp tuyển dụng, một số lao động tự tạo việc làm tại địa phương. Thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT, huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo: đào tạo nghề phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trung bình mỗi năm số lượng lao động qua đào tạo nghề đạt 1.200 người và đều tăng hàng năm, nguồn kinh phí đào tạo được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Các ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng và cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động như: chăn nuôi thú y, thủy sản, trồng nấm, đan rọ tôm, nghề xây dựng, may mặc, điện công nghiệp, hàn, sửa chữa máy nông cụ, làm tranh đá quý, chạm khắc đá…

Các lớp dạy nghề còn được đưa về tận thôn, bản để thu hút người học, tạo điều kiện giúp cho người lao động vừa được học tập vừa làm việc gia đình. Điển hình như trường hợp của anh Hoàng Văn Duẩn ở thôn Sơn Đông, xã Mai Sơn, gia đình đã mua được máy cày, máy thái chuối và còn dự định sẽ mua thêm máy tuốt lúa. Tuy nhiên, mỗi lần máy gặp trục trặc, anh lại phải đem ra tận hiệu. Mấy lần định đi học sửa chữa nhưng chưa thực hiện được vì phải đi xa mấy tháng nên anh đành tạm gác dự định. Giờ đây, sau khi theo học lớp sửa chữa máy nông cụ ngay tại thôn, anh chắc chắn sẽ tự sửa chữa máy cho gia đình mình.

Mặc dù những năm đầu triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: trình độ nhận thức cũng như lứa tuổi của người tham gia học nghề không đồng đều dẫn đến việc giảng dạy của giáo viên và tiếp thu của học viên gặp nhiều trở ngại. Một số thợ lành nghề, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề nhưng chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nên gặp không ít khó khăn trong giảng dạy. Một số nghề mới đưa vào đào tạo chưa có tài liệu giảng dạy chuẩn nên trong quá trình dạy phải tự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Sau khi học nghề, tỷ lệ lao động có việc làm bình quân đạt hơn 80% nhưng việc gắn kết học nghề với giải quyết việc làm thiếu đồng bộ, vẫn còn một số lao động chưa tìm hoặc tìm được việc làm chưa bền vững...

Tuy nhiên, trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện đã bước đầu đạt kết quả tốt, tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề cho LĐNT đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện. Hiệu quả đào tạo nghề nâng lên, người học nghề đã tiếp cận, phổ biến được kiến thức mới về lĩnh vực mình được đào tạo; tiếp cận được khoa học kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự hành nghề để kiếm sống, từ đó nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần ổn định cuộc sống.

Hy vọng rằng, những giải pháp đó sẽ hiện thực hóa các mục tiêu của huyện như: số lao động được đào tạo nghề mỗi năm đạt 1.200 người, đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 25%.

Khắc Điệp - Mai Huyên (Đài TT - TH huyện Lục Yên)

Các tin khác

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) cho biết, trong tháng 11-2015, cả nước đã có 9.837 lao động đi làm việc tại nước ngoài (trong đó có 3.700 lao động nữ).

Hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An.

Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn thông báo ngày 30/11 của Bộ Lao động Thái Lan cho biết Chính phủ Thái Lan sẽ triển khai đăng ký, cấp phép cho lao động Việt Nam tại nước này từ ngày 1-30/12.

Chính phủ Thái Lan vừa thông qua Tờ trình của Bộ Lao động nước này liên quan đến vấn đề nhập khẩu lao động từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở Thái Lan.

YBĐT - Chiều 3/11, tại xã Phúc An, Trung tâm Dạy nghề văn hóa nghệ thuật và Du lịch tổ chức bế giảng lớp đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn trình độ nghề 3 tháng cho 35 lao động nông thôn trên địa bàn huyện Yên Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục