Hiệu quả xuất khẩu lao động ở Trấn Yên
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/2/2016 | 9:54:04 AM
YBĐT- Huyện Trấn Yên hiện đã thành lập được ban chỉ đạo xuất khẩu lao động (XKLĐ) từ cấp huyện đến các xã, thị trấn.
Cán bộ phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội xã Báo Đáp (Trấn Yên) thăm hỏi người XKLĐ về nước.
|
Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) là cơ quan thường trực, đầu mối tiếp nhận người có nhu cầu đi lao động và là điểm đặt mối quan hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Đồng thời, đôn đốc ban chỉ đạo cấp xã, thị trấn khảo sát về nhu cầu người đi lao động; yêu cầu các doanh nghiệp tuyển dụng lao động thực hiện đúng ký kết với người lao động.
Ông Hán Văn Khang - Phó trưởng Phòng LĐTBXH huyện cho biết: trên địa bàn hiện có 10 công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn có nhu cầu tuyển dụng lao động, Qua đánh giá, phần lớn các công ty rất tích cực triển khai các hoạt động tư vấn về công việc và thị trường lao động. Tuy nhiên, cũng có công ty hoạt động cầm chừng để giữ địa bàn.
Trước đây, người đi XKLĐ thường vay vốn các ngân hàng, nhưng bây giờ hầu hết các gia đình đều có tiền tiết kiệm và vay anh em họ hàng để làm thủ tục XKLĐ. Phần lớn người lao động của Trấn Yên sang làm việc tại các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Angieri, Malaisia và các nước Trung Đông.
Trung bình mỗi năm có 50 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó 30% lao động nữ làm 20 ngành nghề khác nhau và chiếm số đông vẫn là nghề điện tử, may mặc, cơ khí, xây dựng và giúp việc gia đình.
Tìm hiểu công tác XKLĐ trên địa bàn huyện cho thấy, đa phần người lao động của Trấn Yên đã chủ động học tập, nắm bắt công việc, sáng tạo và cần cù lao động. Bởi vậy, thu nhập của người đi lao động ở một số nước như: Malaisia, Libia, trung bình 10 triệu đồng/người/tháng; Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng. Người lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước, trừ các khoản chi phí, trung bình có nguồn thu từ 200 đến trên 500 triệu đồng.
Từ số tiền trên, nhiều gia đình đã đầu tư sửa sang, xây mới nhà ở, mua đồ dùng sinh hoạt và tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, toàn huyện đang có 188 người đang làm việc ở nước ngoài và hàng năm số tiền gửi về ước đạt gần 30 tỷ đồng.
Xã Báo Đáp có người đi XKLĐ nhiều nhất huyện với trên 300 lượt người. Ông Phùng Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Báo Đáp hiện còn 64 người đang lao động ở nước ngoài. Nhiều người về nước, song họ lại đăng ký đi tiếp.
Có trường hợp đi đến 4 lần, bởi bên đó có việc làm và thu nhập ổn định. Tiền gửi về, nhiều gia đình trước đây thuộc diện hộ nghèo nhưng chỉ một người đi XKLĐ mà sau mấy năm đã xây được nhà và mua sắm nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền. Điều đó, chứng tỏ XKLĐ cho thu nhập khá cao”.
Gia đình chị Trần Thị Tịnh, ở thôn 4 có căn nhà xây 2 tầng khá khang trang và chị tâm sự: “Tôi đi Đài Loan từ năm 2003 và đến tháng 12 năm 2015 thì về nước với tổng cộng là 4 đợt đi. Công việc hàng ngày là giúp đỡ người già ở viện dưỡng lão. Tiền ăn không mất và mỗi tháng được trả lương 12 triệu đồng. Tiền gửi về hàng năm cùng với tiền của gia đình, năm 2006 tôi xây được nhà trị giá trên 500 triệu đồng và nuôi các con ăn học chu đáo. Hiện nay, gia đình tôi đã có kinh tế ổn định”.
Chị Ngô Thị Thủy, trú tại thôn 9 cũng nói về việc đi lao động ở nước ngoài: “Tôi đi Malaisia từ năm 2007, đến năm 2010 về nước làm ở một công ty bánh kẹo. Năm 2011, tôi tiếp tục đi XKLĐ lần 2 và vừa về nước tháng 1 năm 2016. Lần đi thứ 2, tôi làm ở một công ty điện tử và có thu nhập 17 triệu đồng/tháng. Tới đây, gia đình tôi sẽ xây nhà và đầu tư vốn vào chăn nuôi lợn với quy mô lớn, kinh doanh hàng tạp hóa”.
Tuy chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn, nhưng hiệu quả của việc XKLĐ ở Trấn Yên đã được khẳng định. Từ XKLĐ sẽ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao trình độ, tay nghề và tăng thu nhập cho người lao động. Thời gian tới, ban chỉ đạo XKLĐ các cấp trong huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, tạo nguồn XKLĐ, góp phần tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động, để người XKLĐ có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Thái Hưng
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục dự án “Chương trình cải cách đào tạo nghề 2013 (hỗ trợ kỹ thuật)” sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
YBĐT- Hết năm 2015, Yên Bái có gần 13.000 lao động được đào tạo nghề, đạt 92% kế hoạch năm.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, năm 2015 có 115.980 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vượt 122% so với kế hoạch năm và bằng 108,5% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2014.