Mù Cang Chải: Người dân ngại xuất khẩu lao động

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/10/2016 | 7:17:30 AM

YBĐT - Hàng năm, huyện giao kế hoạch từ 10 đến 15 người tham gia XKLĐ. Mặc dù rất nỗ lực nhưng từ năm 2009 đến nay, huyện mới đưa được 75 người đi XKLĐ. Đặc biệt, 4 năm gần đây, số người đi XKLĐ giảm.

Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Mù Cang Chải trao đổi với thanh niên về công tác XKLĐ.
Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Mù Cang Chải trao đổi với thanh niên về công tác XKLĐ.

Thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) giai đoạn 2009 - 2020, những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp XKLĐ, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thực hiện nhiều chính sách đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, mặc dù nỗ lực triển khai nhưng công tác XKLĐ trên địa bàn huyện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Mù Cang Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn với trên 57.000 dân với 11 dân tộc sinh sống; trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 90%. Để đẩy mạnh công tác XKLĐ, hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện đã chủ động tham mưu giúp Huyện ủy, UBND huyện thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo XKLĐ; xây dựng mục tiêu, kế hoạch XKLĐ; tăng cường chỉ đạo đến chính quyền các địa phương, tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền mọi thông tin về công tác XKLĐ đến các hội viên, đoàn viên. Các ngành chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động đăng ký tham gia, giúp hoàn tất các thủ tục hồ sơ, giáo dục định hướng, học ngoại ngữ tại huyện. Mục tiêu chung của công tác XKLĐ là giúp các gia đình có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Không những thế, sau khi đi XKLĐ, người lao động còn được tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, tính kỷ luật trong lao động và nâng cao tay nghề, dễ tìm được việc làm sau khi hết hợp đồng về nước. Lợi ích của XKLĐ là vậy song công tác XKLĐ đối với huyện Mù Cang Chải đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo khảo sát, trên địa bàn huyện có trên 30.000 người trong độ tuổi lao động, tuy nhiên, rào cản đối với đội ngũ lao động này là trình độ văn hóa chủ yếu là bậc tiểu học và trung học cơ sở, chưa mạnh dạn tiếp cận với các hình thức tự tạo việc làm tăng thu nhập.

Đồng chí Nguyễn Đức Toàn - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: “Hàng năm, huyện giao kế hoạch từ 10 đến 15 người tham gia XKLĐ, mặc dù rất nỗ lực, nhưng từ năm 2009 đến nay, huyện mới đưa được 75 người đi XKLĐ. Đặc biệt, 4 năm gần đây, số người đi XKLĐ giảm: năm 2013, chỉ có 2 người, năm 2014 không được người nào, năm 2015 là 4 người và năm 2016 mới được 3 người. Huyện có 4 xã 10 năm nay không có người đi XKLĐ: Nậm Có, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Chế Tạo. Hiện nay, thị trường lao động Hàn Quốc có mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/người/tháng, còn lại các thị trường khác thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập trên, nhiều người không mặn mà với XKLĐ”.

Một nguyên nhân dẫn đến không đạt mục tiêu của công tác XKLĐ trên địa bàn huyện còn được xác định là do trình độ tay nghề người lao động đa phần là lao động phổ thông nên XKLĐ thu nhập thấp, tiền gửi về gia đình ít, có người sau khi về nước, gia đình tiêu hết tiền nên nợ ngân hàng. Một số người khác do không bảo đảm sức khỏe về nước không phối hợp với doanh nghiệp, không khai báo với chính quyền địa phương bởi vậy không được hưởng các chính sách hỗ trợ. Phong tục tập quán của đồng bào dân tộc là không có thói quen sống xa nhà, ý thức kỷ luật trong tác phong làm việc công nghiệp chưa cao. Một số lao động tập trung học nghề, học tiếng lại bỏ về không có lý do, ảnh hưởng đến tư tưởng của người chuẩn bị tham gia XKLĐ. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: hạn chế về trình độ văn hóa, ngoại ngữ, tay nghề… là những khó khăn của công tác XKLĐ của huyện hiện nay.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trên, Phòng LĐ-TB&XH huyện Mù Cang Chải đang tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác XKLĐ, nhất là việc thẩm định các doanh nghiệp được cấp phép tuyển dụng XKLĐ; nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu về lợi ích của chương trình XKLĐ; tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ chính sách và người lao động được vay vốn, học nghề để tham gia XKLĐ; giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người đi XKLĐ…, tạo cầu nối tin cậy giữa doanh nghiệp với người lao động nhằm đẩy mạnh XKLĐ, góp phần xóa đói giảm nghèo những năm tiếp theo.

Thạch Phong

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10 năm 2016 là 10.361 lao động, trong đó có 3.679 lao động nữ.

Tư vấn cho lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Thực hiện Thỏa thuận giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan), Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vừa thông báo tuyển chọn ứng viên tham gia Chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản có hộ khẩu thường trú tại 12 tỉnh,thành phố: Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Bình Thuận, Lào Cai, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng và Quảng Ngãi.

Ảnh minh họa.

Có khoảng 40% lao động nước ngoài tại Malaysia hiện không có giấy tờ hợp pháp. Đây là thông tin vừa được nước này công bố.

Giải thưởng này được trao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở hợp tác thành công với Liên đoàn giới chủ Na Uy (NHO).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục