Mù Cang Chải gắn đào tạo nghề với tạo việc làm

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/7/2017 | 8:04:04 AM

YBĐT -  Sau 7 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Mù Cang Chải đã có hơn 2.900 người được hỗ trợ học nghề, hơn 2.700 người được nhận chứng chỉ học nghề.

Nông dân huyện Mù Cang Chải sau khi học nghề sửa chữa xe máy đã mở hiệu sửa chữa tại nhà. (Ảnh: Thu Hạnh)
Nông dân huyện Mù Cang Chải sau khi học nghề sửa chữa xe máy đã mở hiệu sửa chữa tại nhà. (Ảnh: Thu Hạnh)

Gia đình Ông Sùng A Khua, dân tộc Mông ở bản Đề Sủa, xã Lao Chải trước đây là hộ nghèo. Tuy nhiên, khi được tham gia lớp học nghề chăn nuôi do huyện tổ chức, ông Khua đã bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chuồng trại, mua thêm con giống. Hiện tại, tổng đàn trâu, bò của ông có 36 con, đàn gia cầm hơn 600 con. Trung bình hàng năm, sau khi trừ chi phí, ông Khua thu từ 300 - 350 triệu đồng.

Đối với người dân huyện Mù Cang Chải - nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn thì đây là một khoản thu nhập lớn. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, gia đình ông Khua đã làm được nhà khang trang, có đầy đủ tiện nghi và mua sắm được xe máy, máy xát gạo, máy ép cám cho gia cầm...

Ông Khua bày tỏ: “Tôi rất phấn khởi khi được tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn do huyện tổ chức. Sau khóa học, tôi đã có thêm kiến thức để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tôi mong muốn thời gian tới, huyện sẽ mở nhiều lớp học nghề để bà con được nắm bắt các kiến thức khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất”.

Mỗi người có một sự lựa chọn học nghề cho phù hợp và khác với ông Khua, chị Giàng A Mỷ ở xã Chế Cu Nha là một phụ nữ còn trẻ, thường xuyên phải  may vá quần áo cho cả nhà nên khi xã mở các lớp dạy nghề, chị đã chọn học nghề may. Chị Giàng A Mỷ chia sẻ: “Trước đây, để may được một bộ quần áo, tôi phải mất thời gian cả tuần. Tuy nhiên, từ khi may bằng máy, tôi đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức để làm việc nhà. Quần áo được may bằng máy cũng đẹp hơn, bởi đường may thẳng, đều và cả nhà ai cũng thích”.

Được biết, để đẩy mạnh công tác dạy nghề và giúp người dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của đào tạo nghề, thời gian qua, UBND huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của người dân; đồng thời, tích cực thông tin, tuyên truyền sâu rộng về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hàng năm, Trung tâm Dạy nghề huyện bổ sung danh mục nghề đào tạo theo nhu cầu học nghề của người dân.

Trong đó, tập trung theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để người dân lựa chọn học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế gia đình.

Đến nay, sau 7 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Mù Cang Chải đã có hơn 2.900 người được hỗ trợ học nghề, hơn 2.700 người được nhận chứng chỉ học nghề, hơn 2.300 người tạo được việc làm. Các ngành nghề được học viên lựa chọn chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi, thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, sửa chữa xe máy, may dân dụng, chế biến gỗ, gò hàn…

Sau khi được đào tạo, phần lớn người học đã nắm được những kiến thức cơ bản về ngành nghề mình được đào tạo và áp dụng có hiệu quả vào phát triển kinh tế hộ. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu của huyện.

Song song với đào tạo nghề, để giúp người dân có thêm cơ hội việc làm sau khi học nghề, những năm gần đây, huyện còn chú trọng giới thiệu việc làm cho lao động sau đào tạo; thường xuyên liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh như: Công ty May Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ; Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng, Hà Nội; Công ty TNHH và Đầu tư Minh Hà, thị xã Nghĩa Lộ… giúp hàng trăm người có việc làm, thu nhập ổn định.

Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi lao động tích cực tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn, dài hạn; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo theo ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; gắn đào tạo nghề với tạo việc làm, giới thiệu người dân đến làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Hồng Oanh

Các tin khác
Ảnh minh họa

Đây là đề xuất tại dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu ký kết và trao bản chương trình hợp tác đến 2020.

Đây là một trong sáu nội dung trong chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2020 giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, vừa được ký kết chiều tối 6-7.

Lớp học nghề thêu thổ cẩm tại xã Phù Nham.

YBĐT - Theo khảo sát hàng năm, trên địa bàn có trên 4.000 lao động nông thôn thiếu việc làm, tập trung chủ yếu ở các xã khu vực cánh đồng Mường Lò và các xã vùng cao vùng thượng huyện.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đã đi làm việc ở nước ngoài là 57.424 người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục