Yên Bái gỡ khó hướng nghiệp và phân luồng giáo dục

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/5/2020 | 1:45:22 PM

YênBái - Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy đã đề ra rất rõ: đảm bảo phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề khoảng 23,5%, sau THPT đi học nghề và hệ thống cao đẳng chuyên nghiệp trên 44%.

Yên Bái đang tích cực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, theo đó giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên và liên tục, thông qua tất cả các môn học, các hoạt động giáo dục.
Yên Bái đang tích cực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, theo đó giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên và liên tục, thông qua tất cả các môn học, các hoạt động giáo dục.

Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Công tác này tác động lớn đến sự lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên, phù hợp với khả năng cũng như đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Bởi tầm quan trọng đó, trong những năm qua, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) của tỉnh đã đạt được một số kết quả, góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn. 

Vì vậy, trong Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy đã đề ra rất rõ: đảm bảo phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề khoảng 23,5%, sau THPT đi học nghề và hệ thống cao đẳng chuyên nghiệp trên 44%. 

Để mục tiêu đó không chỉ là những con số, Đề án về hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái được đẩy mạnh, Sở GD-ĐT, các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Đề án với những giải pháp cụ thể và tạo được sự đồng bộ trong chỉ đạo và triển khai thực hiện.

Trong thời gian qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trên địa bàn tỉnh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội, tác động tích cực đến việc lựa chọn học nghề của học sinh. 

Nhờ đó, tỷ lệ học sinh cấp THCS và THPT đăng ký học nghề thay vì tiếp tục học lên THPT (đối với học sinh tốt nghiệp THCS) hoặc đăng ký tuyển sinh đại học (đối với học sinh tốt nghiệp THPT) có xu hướng tăng trong thời gian qua cho thấy mục tiêu GD-ĐT đã sát với thực tế, có sự phân luồng rõ nét và đúng hướng. 

Mù Cang Chải là địa phương vùng cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, vì vậy, huyện rất chú trọng công tác hướng nghiệp và phân luồng giáo dục. Trong những năm qua, nhiều giải pháp được huyện đưa ra, trong đó, để giúp học sinh THCS làm quen với các nghề phổ thông, rèn luyện trải nghiệm lao động và chuẩn bị cho học sinh lớp 9 có những lựa chọn phù hợp với sở trường và năng lực của bản thân, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các trường TH&THCS, phổ thông dân tộc bán trú, nội trú THCS trên địa bàn huyện để dạy nghề phổ thông cho học sinh ngay từ lớp 8. 

Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn huyện Mù Cang Chải năm 2020 đề ra mục tiêu có ít nhất 60% các trường THCS và 100% trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của địa phương; tối thiểu 32,5% học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề; 65% học sinh tốt nghiệp THPT đi học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề. Các chỉ tiêu được kế hoạch chi tiết cụ thể tới từng đơn vị trường học cho thấy quyết tâm của huyện trong công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục. 

Có thể thấy, hệ thống văn bản chỉ đạo từ tỉnh tới các địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là đồng loạt các Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT” năm 2020 tại mỗi địa phương như chìa khóa để gỡ khó cho công tác hướng nghiệp và phân luồng. Trong đó các kế hoạch triển khai chi tiết với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. 

Công tác tuyên truyền được chú trọng và tập trung vào đối tượng phụ huynh, học sinh. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong việc phối hợp với ngành GD-ĐT vận động học sinh tiếp tục đi học sau tốt nghiệp THCS và THPT theo mục tiêu phân luồng của tỉnh được đẩy mạnh. 

Đặc biệt, sự chỉ đạo quyết liệt lần này từ tỉnh tới cơ sở là phải đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và điều chỉnh chỉ tiêu mà Đề án đặt ra vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành cho giải pháp mạnh mẽ và quyết tâm của tỉnh nhằm tiến tới xây dựng một lực lượng lao động có trình độ, phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Đồng thời, ngành GD-ĐT sẽ có những đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường, đổi mới nội dung dạy học trong chương trình theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi... và phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; huy động tất cả các nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp... 

Đặc biệt, mỗi địa phương lựa chọn xây dựng 1 - 2 mô hình trường áp dụng phương thức hướng nghiệp tiên tiến, có sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp để làm điểm... 

Song song với đó, Yên Bái đang tích cực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, theo đó giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên và liên tục, thông qua tất cả các môn học, các hoạt động giáo dục, đồng thời có các hoạt động giáo dục hướng nghiệp riêng. 

Qua đó, góp phần phân luồng đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Với những nỗ lực và đổi mới kịp thời trong công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh của tỉnh sẽ đạt được kết quả mà Chương trình 190 của Tỉnh ủy đã đề ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Vy

Tags Yên Bái hướng nghiệp phân luồng giáo dục toàn diện giáo dục

Các tin khác
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ giáo dục, Bộ Giáo dục- Đào tạo vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước phối hợp thực hiện tốt các nội dung liên quan đến chỉ đạo điều hành giá năm 2020 và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD&ĐT năm học 2019-2020, 2020-2021.

Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa có văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn hoàn tất việc công bố kết quả lựa chọn SGK lớp 1 sử dụng vào năm học 2020-2021.

Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Quy chế tuyển sinh 2020 có điều chỉnh một số điểm về kỹ thuật để khắc phục những bất cập của Quy chế tuyển sinh 2019.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục