Công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học, cao đẳng trước 17 giờ ngày 5/10

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/10/2020 | 2:42:53 PM

Năm 2020, Bộ Giáo dục- Đào tạo tiếp tục hỗ trợ các trường lọc ảo trong tuyển sinh. Việc sử dụng chung cơ sở dữ liệu và phần mềm lọc ảo giúp tiết kiệm tối đa để các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sẽ thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 trong thời gian từ ngày 2/10 đến 17 giờ ngày 4/10. Trước 17 giờ ngày 5/10, các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển ĐH, CĐ đợt 1.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tối ngày 30/9 cho biết: Năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung của cả nước là 98,3%, (trong đó, tỷ lệ đối với THPT là 98,9%, giáo dục thường xuyên là 92,5%); tỷ lệ có sự khác biệt giữa các địa phương, vùng miền.

Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ là 642.945, giảm 1,46% so với năm 2019. Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 2.494.210, giảm 3,14% so với năm 2019. Cập nhật đến hết ngày 27/9, có tổng số 275.530 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tỷ lệ điều chỉnh đạt 42,49%.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy (Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đai học, Bộ GD&ĐT), năm 2020 ghi nhận nỗ lực tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, với nhiều phương thức xét tuyển ngoài phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, như xét học bạ, tuyển thẳng theo đề án của trường; sự chủ động, linh hoạt thay đổi phương án tuyển sinh để phù hợp với tình hình dịch COVID-19.

Về hoạt động lọc ảo trong tuyển sinh, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết: Năm 2019, phần mềm lọc ảo phát huy tác dụng lớn, phục vụ công tác tuyển sinh của các trường. Do vậy, năm 2020, Bộ tiếp tục hỗ trợ các trường lọc ảo. Việc sử dụng chung một cơ sở dữ liệu và một phần mềm lọc ảo giúp tiết kiệm tối đa để các trường ĐH, CĐ sẽ thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 trong thời gian từ ngày 2/10 đến 17 giờ ngày 4/10. Trước 17 giờ ngày 5/10, các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển đại học, cao đẳng đợt 1.

Sớm công bố phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021-2025

Về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm tiếp theo, theo Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam: Nhìn lại 6 năm đổi mới kỳ thi THPT (2015-2020) cho thấy, việc đổi mới kỳ thi đã khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch diễn ra trong nhiều năm, thực hiện đúng phương châm "học gì thi nấy”, yêu cầu học sinh phải học toàn diện. Đồng thời, công tác tổ chức thi gọn nhẹ hơn, thí sinh chỉ phải dự thi một lần, ngay tại địa phương, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội. 

Các hình thức tuyển sinh ĐH, CĐ được đa dạng hóa. Các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ có sự chuyển biến tích cực trong tự chủ tuyển sinh, trong đó ngày càng sử dụng nhiều hơn các phương thức xét tuyển theo tiếp cận quốc tế như sử dụng các chứng chỉ chuẩn quốc tế, kết quả bài thi đánh giá năng lực... Tỷ lệ tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT giảm đi.

Từ kết quả của giai đoạn 2015-2020, định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 được xác định cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng để sớm công bố phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021-2025, trên quan điểm phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ và trách nhiệm triển khai cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục đối với các kỳ thi và tuyển sinh. Trong đó, tăng cường tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh; đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh; có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước tiên tiến về giáo dục trên thế giới. Vừa qua, Bộ đã báo cáo Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, nhận được sự đồng thuận rất cao của các thành viên Hội đồng. Bộ đang hoàn thành để báo cáo Chính phủ thông qua.

Chuẩn bị SGK lớp 2, lớp 6 chương trình giáo dục phổ thông mới

Từ năm học 2020-2021, chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai đối với lớp 1 và thực hiện cuốn chiếu ở những năm học tiếp theo. Chuẩn bị cho triển khai chương trình trong năm học 2021-2022, thời gian qua, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, Bộ đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của 4 nhà xuất bản gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, đối với lớp 2, có 33 bản mẫu sách giáo khoa của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục đã được gửi về. Trong số này, môn Toán có 4 bản mẫu sách giáo khoa; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 bản; các môn còn lại gồm: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Hoạt động trải nghiệm mỗi môn có 3 bản mẫu.

Đối với lớp 6, Bộ đã nhận được 43 bản mẫu sách giáo khoa của đầy đủ 11 môn học, hoạt động giáo dục giáo dục bắt buộc, bản mẫu sách giáo khoa môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó, trừ môn Tin học có 6 bản mẫu, tiếng Anh có 9 bản mẫu, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu sách giáo khoa. Hiện nay, việc thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đã hoàn thành vòng 1, các nhà xuất bản đang chỉnh sửa, hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định, dự kiến thẩm định vòng 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 (đối với lớp 2) và trung tuần tháng 11 (đối với lớp 6).

(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác
Quang cảnh Hội thảo

Chiều 19/4, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông tại Trường THPT Nguyễn Huệ.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn tham quan các sản phẩm trưng bày tại Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn vừa tổng kết Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện cấp tiểu học, năm học 2023- 2024.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí thông tin về chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2024 tiếp tục được triển khai từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm từ ngày 27 đến 30/6 với nhiều đổi mới nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Giờ ôn tập kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Học sinh lớp 12 trên cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc ôn tập để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Lưu ý một số nội dung trong công tác dạy học, ôn tập, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Các nhà trường cần lưu ý hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch năm học 2023-2024; phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục