Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã có chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những yêu cầu mới và các chính sách tạo động lực cho đội ngũ giáo viên trong công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông.
Tăng quyền tự chủ cho đội ngũ giáo viên
PV: Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại. Điều này đặt ra những thách thức gì với đội ngũ giáo viên để thích ứng với yêu cầu mới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học, vì vậy vấn đề lớn nhất đặt ra là đội ngũ giáo viên phải thích ứng với mục tiêu, yêu cầu đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Có thể điểm qua một số điểm mới cơ bản như: Kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông mới chia làm 2 giai đoạn với các yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn; có thêm hoạt động trải nghiệm và một số môn học được xây dựng theo hướng tích hợp, liên môn và định hướng nghề nghiệp cho học sinh; đề cao nội dung giáo dục địa phương,….
Bên cạnh đó, kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kì ở cơ sở giáo dục, các kì đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kỳ đánh giá quốc tế.
Điều quan trọng là, trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này, đội ngũ nhà giáo đã được trao quyền tự chủ cao hơn, đòi hỏi giáo viên phải có các năng lực tổng hợp chứ không chỉ là năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu của môn học giảng dạy. Vì vậy, để thích ứng yêu cầu của chương trình mới, đội ngũ giáo viên cần chủ động hơn trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Trong đó, chủ động tìm hiểu và nắm vững chương trình giáo dục phổ thông và các yêu cầu mới; tăng cường trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp và nâng cao khả năng tự học, tự bồi dưỡng, cập nhật các phương pháp, kỹ thuật dạy học đáp ứng yêu cầu mới; chủ động tham gia xây dựng chương trình giáo dục địa phương và kế hoạch dạy học của lớp học, môn học, của nhà trường...
Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng vai trò của người giáo viên đã thay đổi theo hướng phải đảm nhận nhiều chức năng hơn. Trong đó, chức năng quan trọng nhất của thầy cô chính là người dẫn đường, định hướng và hỗ trợ để học sinh lĩnh hội được tri thức, phát triển các phẩm chất, năng lực để hình thành nhân cách.
Cùng với đó, với sự phát triển của công nghệ, người học có thể kết nối với các nguồn thông tin đa dạng về lĩnh vực, phong phú về định dạng, vượt ra khỏi khuôn viên vật lí của nhà trường. Điều này cũng đặt thêm yêu cầu mới đối với đội ngũ nhà giáo.
PV: Như Bộ trưởng vừa chia sẻ, một trong những đổi mới quan trọng của chương trình mới là sách giáo khoa không còn là pháp lệnh và giáo viên được giao tăng quyền tự chủ. Để tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ này mà không bị những thói quen cũ cản trở như phụ thuộc vào sách giáo khoa, truyền đạt một chiều…, theo Bộ trưởng cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Xác định giáo viên là lực lượng quan trọng quyết định thành công triển khai chương trình mới, nên ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Bộ GD&ĐT đồng thời đã nghiên cứu, đề xuất các năng lực cần có của đội ngũ giáo viên đáp ứng thực hiện chương trình, từ đó tổ chức bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho đội ngũ. Chẳng hạn, các năng lực xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, năng lực dạy học tích hợp liên môn, kỹ năng xây dựng, tổ chức và quản lý các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học,…
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã chủ động bồi dưỡng cho giáo viên, giảng viên từ năm 2015-2016 và chỉ đạo áp dụng thực hiện vào trong các nhà trường để tạo ra sự thích ứng, sẵn sàng cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Cho đến thời điểm hiện nay, khi bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 thì toàn bộ đội ngũ giáo nhà giáo đã được bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (mô đun 1).
Hiện, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục triển khai bồi dưỡng cho giáo viên, giảng viên cốt cán về sử dụng phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực (mô đun 2 và mô đun 3).
Ngoài ra, với mỗi nội dung mới trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (hướng dẫn thực hiện nội dung hoạt động trải nghiệm, biên soạn, thẩm định chương trình giáo dục địa phương, lựa chọn sách giáo khoa…), Bộ GD&ĐT đều có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết đối với các địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên để triển khai thực hiện.
Hỗ trợ đội ngũ nhà giáo hoàn thiện năng lực đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới
PV: Rõ ràng đổi mới giáo dục đặt ra không ít đòi hỏi, thách thức trong phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chế độ, chính sách dành cho đội ngũ này còn chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về những chính sách mới tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra yêu cầu về số lượng và cơ cấu giáo viên (trong đó có giáo viên thỉnh giảng) phải bảo đảm để dạy các môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; giáo viên được bảo đảm các quyền theo quy định của Điều lệ trường phổ thông và của pháp luật; giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025" (Quyết định 732/QĐ-TTg 29/4/2016); Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Trong đó, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói riêng và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nói chung. Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên do ngân sách nhà nước bảo đảm cũng là một chính sách quan trọng đã được Chính phủ thông qua nhằm hỗ trợ đội ngũ nhà giáo hoàn thiện năng lực đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngoài ra, để giải khắc phục vấn đề biên chế giao không đủ so với định mức quy định, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế nhằm kịp thời tháo gỡ cho phép các cơ sở giáo dục được hợp đồng lao động đối với giáo viên để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập; tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc hợp đồng, bố trí giáo viên dạy những môn học mới như Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật,… trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học phổ thông.
Tại thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện việc đề xuất chính sách tiền lương mới đối với viên chức ngành Giáo dục theo phân công của Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương của Chính phủ. Mục tiêu đề xuất là tiền lương của nhà giáo được cải thiện và lương mới sẽ không thấp hơn mức lương đang hưởng.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ làm việc, danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông để phù hợp với yêu cầu đặt ra của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực tiễn của các địa phương.
Khắc phục mọi khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt
PV: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng có chia sẻ gì với đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền Tổ quốc?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm học vừa qua là năm học hết sức đặc biệt. Toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực để thực hiện tốt nhiệm vụ kép: Phòng chống dịch bệnh COVID -19 và thực hiện chủ trương "tạm dừng đến trường, không dừng học”. Những kết quả đạt được có đóng góp vô cùng to lớn của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục khắp mọi miền đất nước.
Có thể thấy, giáo dục 4 tỉnh miền Trung vừa qua đã phải chịu những thiệt hại hết sức nặng nề vì mưa lũ. Các thầy cô giáo nơi đây, bên cạnh phải vượt qua những mất mát như bao người dân khác, đã nỗ lực và cố gắng rất nhiều để vệ sinh trường lớp, động viên học trò, giúp phục hồi nhanh nhất hoạt động dạy học.
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tất cả các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục vì những đóng góp cụ thể, nghiêm túc và đầy trách nhiệm như trên đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Năm học này, toàn ngành bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 và sang năm sẽ tiếp tục với lớp 2, lớp 6. Chính các thầy cô sẽ là lực lượng quyết định thành công của nhiệm vụ quan trọng này. Tôi mong rằng, các thầy cô hãy bằng tất cả tâm huyết và tình yêu với học trò, trường lớp, không ngừng học tập, bồi dưỡng, tích lũy các kiến thức, kinh nghiệm và năng lực cá nhân để thực hiện thành công đổi mới giáo dục.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên ngành Giáo dục. Chúc các thầy cô dồi dào sức khỏe, khắc phục mọi khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt và quản lý tốt như lời dặn của Bác Hồ "Dù khó khăn đến đâu, thầy và trò cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!.
(Theo dangcongsan.vn)