Ông bố sáng tạo cách học hàng chục nghìn từ tiếng Anh

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/1/2021 | 2:16:25 PM

Trước khi sáng tạo phương pháp Nhị Ngữ, anh Tiến Nùng học nhiều khóa tiếng Anh đắt đỏ, nhưng "không ăn thua", nghĩ "thế này chắc hỏng, không học được".

Anh Nguyễn Tiến Nùng trong chuyến du lịch Tam Đảo.
Anh Nguyễn Tiến Nùng trong chuyến du lịch Tam Đảo.

Nhận được lời mời tham dự dự án kinh doanh dịp đầu năm mới, anh Nguyễn Tiến Nùng, 47 tuổi, ở Hà Nội, từ chối vì muốn chuyên tâm xây dựng hai chủ đề Sinh học - Hóa học và Luật pháp - Nền kinh tế trong phần mềm học tiếng Anh theo phương pháp Nhị Ngữ. Từ khi sáng tạo ra cách học này, ông bố có hai con trai gần như gác lại toàn bộ công việc liên quan đến kinh doanh, luật, vốn là hai lĩnh vực đúng chuyên môn, để tập trung phát triển phương pháp học tiếng Anh mới.

"Với tôi, Nhị Ngữ là niềm vui, cũng là mục tiêu quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại. Tôi muốn hoàn thiện và giới thiệu cách học này tới nhiều người, muốn giúp thay đổi cách học tiếng Anh không hiệu quả hiện nay", anh Nùng nói.

Sinh ra ở Hải Dương, năm 11 tuổi, anh Nùng chuyển đến Hải Phòng sinh sống. Không nhập được hộ khẩu thành phố, anh theo học bổ túc, không có điều kiện học bất cứ ngoại ngữ nào. Vốn thích học các môn tự nhiên, anh Nùng nhanh chóng trở nên nổi trội tại trường. Tốt nghiệp cao nhất trường với 36,5 điểm cho bốn môn thi, anh được cô giáo dạy Hóa khuyên "nên học đại học".

Từ 1993 đến 2010, anh Nùng lần lượt tốt nghiệp cử nhân Đại học Luật, lấy bằng thạc sĩ Luật kinh doanh quốc tế của Đại học Tours Rabelais và thạc sĩ Quản trị dự án của Đại học Nantes, Pháp. Ngoài ra, anh còn theo học Đại học Kinh tế quốc dân, Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về Quản lý thuộc Đại học Kinh tế TP HCM, cao học Biên - phiên dịch tiếng Pháp thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế và cao học luật liên kết giữa Đại học Luật Hà Nội với Đại học Panthéon Assas, Pháp. Suốt thời gian này, anh chỉ học chương trình tiếng Pháp và tự học một chút tiếng Anh.

Khi làm việc cho một công ty bảo hiểm của Mỹ, anh chủ yếu nói tiếng Anh "bồi" kiểu Pháp, kết hợp với ngôn ngữ hình thể. Vì kém tiếng Anh, anh vẫn nhớ mãi tình huống xấu hổ trong chuyến đi tới Australia năm 2012. Khi dùng bữa tại nhà hàng gần cảng Sydney, anh muốn xin thêm chiếc dĩa nên tới gặp người phục vụ, ấp úng nói từng từ "Would you give me a fork, please?" (Anh có thể mang giúp tôi một chiếc dĩa không?). Người phục vụ cau mày, tỏ rõ bực dọc nhưng vẫn trở vào bếp, lấy chiếc dĩa rồi đặt mạnh xuống bàn anh Nùng, nói "Fork, please".

"Lúc đó, tôi xấu hổ và không hiểu sao họ lại bực thế, không biết mình nói gì sai hay không", anh Nùng kể. Nhiều năm sau, đến khi tìm ra cách học tiếng Anh bằng Nhị Ngữ, anh cho rằng mình dài dòng, sử dụng câu không đúng ngữ cảnh, làm mất thời gian của người phục vụ nên anh ta bực. Như câu người phục vụ nói khi đập dĩa xuống bàn, chỉ "Fork, pleasse" là đủ, ngắn gọn mà vẫn lịch sự.

Động lực phải thoát khỏi trình độ tiếng Anh "làng nhàng" đến với anh Nùng vào năm 2017. Anh muốn mở văn phòng luật riêng, chuyên tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài nên cần tiếng Anh trình độ cao chứ không thể "bồi". Cùng với đó, thấy hai con trai đi học thêm ngoại ngữ nhiều nhưng vẫn không biết những từ đơn giản như "kéo rèm", "ăn hết", người bố càng quyết tâm hơn.

Để bắt đầu, anh lên mạng mò mẫm nhiều trang web, khóa học để tự luyện, nhưng "chỉ được vài hôm là quên". Anh đầu tư, bỏ tiền mua nhiều khóa học được đánh giá cao cấp, nhưng vẫn "không ăn thua". Lúc đó, anh đã ngoài 40 tuổi nên việc tiếp thu khó khăn hơn rất nhiều. "Sau nhiều tuần không nhớ được gì nhiều, tôi nghĩ thế này chắc hỏng, không học được", anh Nùng kể.

Trong lúc bí bách, anh nhớ đến trải nghiệm làm việc trong lĩnh vực máy tính khi mới đi làm, băn khoăn tại sao hệ nhị phân trong tin học chỉ có hai số nhưng mã hóa được nhiều thứ. Từ đó, anh đặt câu hỏi "Thay vì học từng từ, tại sao không học hai từ, cụm từ tiếng Anh cùng lúc?". "Việc này tưởng chừng khó hơn nhưng nếu hai từ có liên quan theo một nguyên tắc nào đó, việc ghi nhớ chắc chắn dễ hơn", anh Nùng tự nhủ.

Ông bố ngoài 40 tuổi gọi tên cách học này là Nhị Ngữ - Bilet, nghĩa là học ít nhất hai từ, cụm từ, câu cùng lúc dựa trên nguyên tắc về ngữ nghĩa, phát âm... và được người bản ngữ thường xuyên sử dụng. Chẳng hạn, "for here or to go" (dùng đồ tại cửa hàng hay mang đi), "import" - "export" (nhập khẩu - xuất khẩu). Đôi khi, Nhị ngữ lên đến 7 từ gồm: "red", "orange", "yellow", "green", "blue", "indigo", "violet" (đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím) là bảy màu của quang phổ, tương tự cầu vồng.

Tìm được cách học mới, anh Nùng tập trung liệt kê các từ, cụm từ theo từng nhóm chủ đề như: cơ thể người, động vật, rau củ quả... và cách dùng câu hoàn chỉnh do người bản ngữ sử dụng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở việc lưu trữ trong bộ nhớ máy tính, anh Nùng không thể chia sẻ tới nhiều người. Sau gần một năm tự mày mò và xây dựng được hơn chục nghìn từ, cụm từ, anh liên hệ với các nhóm công nghệ, đề nghị hợp tác để đưa các cặp Nhị Ngữ vào phần mềm.

Lựa chọn logo là hình hai vòng tròn lồng nhau, tạo thành hình trái tim, anh Nùng muốn nói lên tâm huyết của mình. Tuy nhiên, sau nhiều tháng chờ đợi, nhóm công nghệ ban đầu không thể xây dựng thành công phần mềm như anh mong muốn. Ông bố một lần nữa tưởng sẽ thất bại, "chắc là hỏng" vì "đây là nhóm có trình độ cao mà còn không thể làm được".

Anh Nùng thừa nhận nhiều lần muốn bỏ cuộc do phía trước quá mờ mịt, "không biết đâu mà lần". Thời điểm khó khăn nhất, động lực kéo anh lại là hai con trai. Khi được bố chia sẻ cách học này, hai em học nhanh, nhớ được thêm nhiều từ mới. Sau mỗi ngày làm việc mệt nhoài, trở về nhà và thấy các con thích thú hỏi hôm nay bố có thêm cặp từ nào, anh Nùng như được tiếp thêm sức mạnh.

Cùng với đó, anh có niềm tin mạnh mẽ về việc tạo ra một sản phẩm giúp người Việt cải thiện trình độ tiếng Anh. "Tôi cho rằng học là cách tốt nhất để thay đổi số phận của một người và giáo dục là công cụ hữu hiệu nhất để thay đổi vận mệnh của quốc gia. Trong giai đoạn ban đầu, tiếng Anh chính là phương tiện để chúng ta vươn lên mạnh mẽ", anh Nùng nói.

Anh Nùng quyết tâm quay lại hoàn thiện phần mềm học tiếng Anh theo phương pháp Nhị Ngữ. Sau khi tiếp xúc đến nhóm công nghệ thứ sáu, anh Nùng mới tìm được tiếng nói chung và ưng ý với sản phẩm được làm ra. Phần mềm được thiết kế đơn giản, đặt tiêu chí thân thiện với người dùng lên hàng đầu. Khi tìm kiếm bất kể cặp Nhị ngữ nào, phần mềm sẽ hướng dẫn cách đọc và hiển thị hình ảnh, cách dùng của người bản ngữ.

Sau ba năm hình thành ý tưởng và phát triển phần mềm, hiện anh Nùng đã xây dựng được 15.000 cặp Nhị Ngữ, tương đương 30.000 từ và cụm từ cho hơn 30 nhóm chủ đề. Để xây dựng một nhóm chủ đề, anh thường mất nhiều tháng nên gác lại các dự án luật, kinh doanh để chuyên tâm hoàn thiện. Một số bạn bè không rõ anh đang thực sự theo đuổi điều gì, khuyên "thôi bỏ đi" vì kết quả đồng nghĩa với lợi nhuận. Thế nhưng, anh Nùng cho rằng việc mình đang làm hướng đến giáo dục, tạo ra giá trị lâu dài chứ không thể đạt kết quả trong ngày một, ngày hai.

Dấu ấn đầu tiên của Nhị Ngữ - Bilet đến với anh Nùng trong những ngày cuối năm 2020 khi được giới thiệu phương pháp học và phần mềm với giáo viên, phụ huynh trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Một giáo viên tiếng Anh của trường Nghĩa Tân đánh giá phần mềm Nhị ngữ giải quyết phần lớn việc học từ vựng tiếng Anh của học sinh, nhiều em yếu và chán nản khi học nhồi nhét.

Được tiếp cận với Nhị Ngữ, các em hứng thú và chủ động hơn trong quá trình học do được chọn chủ đề mình muốn tìm hiểu. "Khi tôi giới thiệu với phụ huynh và học sinh, đặc biệt là những em ở lớp song bằng, tôi thấy nhiều người hào hứng. Thông qua việc học từ, phương pháp này còn giúp người học mở rộng kiến thức ở nhiều lĩnh vực", cô nói.

Thời gian tới, anh Nùng đặt mục tiêu hoàn thành các cặp Nhị Ngữ tại hai nhóm chủ đề Sinh học - Hóa học và Luật pháp - Nền kinh tế, đồng thời phát triển phiên bản của phần mềm dùng trên máy tính để tiện cho giáo viên trình chiếu, giảng bài. "Với trải nghiệm bản thân, tôi tin rằng Nhị Ngữ có thể giúp người học lưu loát và tự tin trong giao tiếp chỉ sau 100 ngày xây dựng vốn từ. Khi đó, tôi nghĩ mình đã thật sự thành công", anh Nùng nói.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Niềm vui của thí sinh sau khi hoàn thành Kỳ thi tuyển sinh THPT tỉnh Yên Bái năm học 2023 - 2024.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 sẽ diễn ra. Dự kiến toàn tỉnh có trên 9.000 học sinh khối lớp 9 tham dự kỳ thi. Để hiểu rõ hơn về điểm mới cũng như công tác chuẩn bị cho Kỳ thi, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã phỏng vấn bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Ngành GD&ĐT huyện Văn Chấn kịp thời khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc.

Văn Chấn là huyện vùng cao, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm qua, huyện đã luôn quan tâm chú trọng, chỉ đạo các đơn vị trường học đổi mới toàn diện giáo dục, đặc biệt là đổi mới công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Nhờ đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn của huyện Văn Chấn ngày càng được nâng lên với những bước tiến đáng kể.

Từ ngày 24/4, thí sinh học lớp 12 năm học 2023-2024 có thể đăng ký dự thi thử tốt nghiệp THPT trực tuyến. Ảnh minh họa

Từ ngày 24-28/4, học sinh được đăng ký thi thử tốt nghiệp THPT trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Học sinh lưu ý khoảng thời gian này để tập dượt đăng ký dự thi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ việc đề xuất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục