Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.
Đánh giá sau mở cửa trường học
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã mở cửa trường học cho học sinh đến học trực tiếp, nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh... đồng tình ủng hộ. Các địa phương đã xây dựng kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho trẻ em tùy theo tình huống dịch bệnh; thực hiện Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học đến toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đến nay, toàn ngành ghi nhận 162.917 cán bộ, nhân viên, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19.
Đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19 tăng mạnh dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến. Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0.
Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục rất khó thực hiện việc giãn cách theo quy định vì số lượng học sinh đông.
Bên cạnh đó, việc thiếu giáo viên tạo áp lực rất lớn cho các cơ sở giáo dục trong việc triển khai dạy trực tiếp; việc tổ chức bán trú và học hai buổi còn rất khác nhau ở nhiều địa phương; một số phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt đối với cấp học mầm non và tiểu học, dẫn đến tỷ lệ trẻ mầm non đến trường thấp ở nhiều tỉnh …
Tăng cường công tác truyền thông chủ trương mở cửa trường học
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh, thành cần tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh trong trường học, kịp thời hướng dẫn xử trí với các trường hợp F0, F1 trong trường học phù hợp với thực tiễn.
Tiếp tục hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, hoàn thành kế hoạch năm học chất lượng, hiệu quả. Chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch năm học phù hợp với tình hình thực tiễn. Tăng cường công tác truyền thông chủ trương mở cửa trường học của Chính phủ, Bộ GDĐT; tạo sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của phụ huynh học sinh trong việc sẵn sàng cùng với ngành giáo dục đưa con em trở lại trường học an toàn.
Điều chỉnh rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với F1 là giáo viên, học sinh
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 theo hướng rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy mở cửa trường học. Ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp. Đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong việc điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ em bị F0 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, đồng thuận trong dư luận xã hội.
Tổ chức ăn bán trú, học hai buổi... để các địa phương thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành, ban hành Sổ tay hướng dẫn cho nhà trường và phụ huynh việc chăm sóc trẻ em F0 tại nhà. Đồng thời, các tỉnh, thành phố thống nhất chỉ đạo việc tổ chức dạy học trực tiếp trên tinh thần không chủ quan nhưng không quá căng thẳng.
Với những trường học có điều kiện bán trú đề nghị chỉ đạo tổ chức cho học sinh học bán trú. Tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc xử trí F0, F1 trong trường học và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho học sinh đến trường…
Thanh Ba