Có được thành tích trên, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đã tham mưu, đề xuất với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện về kế hoạch, chương trình hành động như: xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2022; mở các lớp xóa mù chữ ở các xã khó khăn, đồng thời tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cũng như chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Cùng với đó, Phòng đã chỉ đạo các trường học thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành như: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”; đưa nội dung các cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, "Xây dựng trường học hạnh phúc”... thành hoạt động thường xuyên của mỗi nhà trường.
Đồng thời, đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra nội bộ trường học…
Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, sau hơn một năm đã triển khai và thực hiện 20 tiêu chí xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” một cách bài bản, có hệ thống.
Cô giáo Đặng Thị Lan Hương - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Qua một năm thực hiện mô hình này, số học sinh hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện đạt hơn 80%; nhiều học sinh đạt giải cao trong Kỳ thi Trạng nguyên Tiếng Việt cấp huyện, cấp tỉnh, trong đó có 1 học sinh đạt giải Nhất cấp quốc gia”.
Năm học 2021 - 2022, toàn huyện có 52 trường, với trên 26.000 học sinh. Tuy còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học thiếu, không đồng bộ; chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều; còn có phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc học của con em mình...
Song, để thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”, Phòng đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, đối với đội ngũ giáo viên, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; tổ chức nhiều chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn và phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm; tăng cường công tác kiểm tra đánh giá, xếp loại giáo viên...
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Văn Lịch cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục và duy trì chất lượng mũi nhọn trong tốp đầu của tỉnh, hàng năm, dưới sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT và UBND huyện, Phòng tổ chức hướng dẫn cho các đơn vị trường thực hiện đúng quy chế chuyên môn, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy và sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học; bồi dưỡng cho học sinh theo năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, tránh thiên về ghi nhớ máy móc; thường xuyên tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực học sinh, trên cơ sở đó giao chỉ tiêu về chất lượng giáo dục đồng thời làm rõ nguyên nhân hạn chế để có các giải pháp khắc phục bảo đảm dạy thực chất và đánh giá thực chất.
Với các giải pháp trên, kết thúc năm học 2021- 2022, chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học từ mầm non, tiểu học và THCS trong toàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt trên 95% tăng 1,1% so với năm học trước; tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành tốt môn Toán đạt 42,09% và môn Tiếng Việt đạt 40,45%; trên 36% học sinh THCS được xếp loại học lực khá, giỏi.
Trong các kỳ thi HSG các cấp, toàn huyện đạt 271 giải cấp huyện, trong đó có: 23 giải Nhất, 55 giải Nhì, 68 giải Ba, 125 giải Khuyến khích; cấp tỉnh đạt 56 giải, xếp thứ 2 sau thành phố Yên Bái.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm học mới 2022 - 2023, ngành GD&ĐT huyện Yên Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT; tham mưu giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên bộ môn Tin học, Ngoại ngữ. Tăng cường các điều kiện nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, chuẩn bị các điều kiện dạy học môn Tin học và Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025; xây dựng xã hội học tập...
Văn Tuấn