Bộ Giáo dục sẽ định giá cụ thể sách giáo khoa

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/9/2022 | 5:16:51 PM

Chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa nhà nước định giá và giao Bộ Giáo dục - Đào tạo định giá cụ thể với mặt hàng này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Chiều 19/9, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật Giá sửa đổi.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp, như: một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán (trừ dịch vụ do nhà nước cung cấp); thuốc lá điếu sản xuất trong nước; dịch vụ quy hoạch; thù lao công chứng; nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng…

Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng vào danh mục gồm sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất.

Theo ông Phớc, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục - Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi luật Giá.

"Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục - Đào tạo định giá cụ thể”, ông Phớc nói.

Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc kiểm soát, khống chế giá sách giáo khoa để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng là cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Cường, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh.

Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm và quyền lợi của người dân; đồng thời cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.

Trong khi đó, đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất, ông Phớc cho hay, mặt hàng này do Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung vào Danh mục vì thuộc trường hợp nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh.

Ông Phớc cho biết, theo đánh giá của Bộ Quốc phòng thì việc bổ sung là rất cần thiết để triển khai nhiệm vụ trong thực tiễn.

Riêng đối với dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá kỹ để có đề án riêng trình Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện.

Do đó, trước mắt chưa đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Trường hợp cơ chế giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư được Quốc hội thông qua sẽ được cập nhật vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.

14 hàng hóa, dịch vụ đề xuất đưa ra khỏi danh mục nhà nước định giá

- Dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ soi chiếu an ninh

- Một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

- Dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do các tổ chức cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán cung cấp (trừ dịch vụ do nhà nước cung cấp)

- Thuốc lá điếu sản xuất trong nước

- Thù lao dịch vụ đấu giá

- Dịch vụ quy hoạch

- Thù lao môi giới, dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc

- Thù lao công chứng

- Cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng

- Nước ngầm

- Dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ

- Nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng

- Mặt nước

- Dịch vụ sử dụng khu vực biển.

(Theo TNO)

Các tin khác

Hơn 250 trường đại học (ĐH) đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh đợt 1 xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ghi nhận cho thấy, điểm chuẩn một số ngành năm nay nhảy múa bất thường theo hướng tăng sốc và giảm cũng sốc.

Các khoản thu đầu kì I năm học 2022-2023 tại Trường THPT dân lập Văn Lang (Hà Nội).

Ngoài học phí phải nộp 1,5 triệu đồng/tháng, phụ huynh có con học tại Trường THPT dân lập Văn Lang (Hà Nội) phải đóng thêm 4,5 triệu đồng/học kì cho các khoản thu được thông báo tại buổi họp chiều ngày 17/9.

Một bữa ăn đảm bảo VSATTP của các em học sinh tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 400 trường mầm non, tiểu học, tiểu học và THCS, phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, bán trú có hoạt động nấu ăn cho hơn 200.000 học sinh từ 1 - 3 bữa tại trường. Hàng năm, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thường xuyên có văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong các cơ sở giáo dục.

Trường Tiểu học và THCS Tân Lĩnh đón bằng chuẩn quốc gia trong ngày khai giảng năm học 2022 - 2023.

Năm học 2022 - 2023, ngoài bậc mầm non cơ bản đủ giáo viên theo yêu cầu, cấp tiểu học và trung học cơ sở (THCS) của ngành giáo dục Lục Yên thiếu nhiều giáo viên tiểu học, giáo viên dạy môn Tin học, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Toán. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã triển khai bố trí điều động, biệt phái, phân công giáo viên dạy liên trường giữa trường thiếu ít với trường thiếu nhiều, nhằm cơ bản đảm bảo việc dạy và học của các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục