Họ là giáo viên... biệt phái

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/1/2023 | 4:51:19 PM

YênBái - 15 giáo viên tiếng Anh của thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình, Trấn Yên đã tới công tác tại các trường của huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải theo quyết định tăng cường biệt phái nhằm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đầy đủ. Các thầy, cô đã mang theo cái chữ và cả bầu nhiệt huyết truyền ngọn lửa đam mê cho những học trò vùng cao...

Cô Phan Thị Lệ Hường cùng học trò trong một giờ học không công nghệ.
Cô Phan Thị Lệ Hường cùng học trò trong một giờ học không công nghệ.

"Học sinh cần là tôi có mặt”

"Thầy Hải vẽ đẹp như thầy giáo dạy Mỹ thuật” - đó là lời giới thiệu của học trò khi chúng tôi hỏi thăm thầy Đặng Thanh Hải - giáo viên Tiếng Anh "biệt phái” tại Trường Tiểu học Púng Luông, huyện Mù Cang Chải. Thầy đang có tiết dạy tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Dế Xu Phình cách đó 8 km. Sau giờ học, phải đợi thêm mới gặp vì thầy bận giải đáp những thắc mắc của học trò. 

"Dạy tiếng Anh cho học sinh dân tộc thiểu số rất khó, bởi một lớp học 3 ngôn ngữ (tiếng Mông, tiếng Việt, tiếng Anh). Nhiều khi mình phải dạy theo nhu cầu và sở thích của học trò, đôi lúc các em còn dạy tiếng Mông cho thầy. Vì thế, tiết học không bó hẹp trong lớp học và bài học không chỉ trong sách” - thầy Hải chia sẻ. 



Công tác trong ngành giáo dục 26 năm, khi tỉnh có chủ trương biệt phái giáo viên Tiếng Anh, thầy Hải đã xung phong tình nguyện. Nơi nhận công tác cơ sở vật chất thiếu thốn, trong khi dạy môn Tiếng Anh đòi hỏi nhiều công nghệ hỗ trợ mới đạt hiệu quả. Không chịu "đầu hàng”, thầy Hải trăn trở tìm giải pháp. 

Rồi thầy tận dụng những vật liệu sẵn có để tạo ra công cụ trợ giảng. Nhiều khi, trên nền bảng đen, phấn trắng, thầy vẽ những hoạt động, hành động mô phỏng giúp học sinh hiểu bài hơn, vượt qua rào cản ngôn ngữ đối với nhiều học sinh có vốn tiếng Việt hạn chế. 

Không chỉ vậy, tranh thủ hết quỹ thời gian có thể, năm học này thầy Hải dạy ở 3 trường: thứ Hai đến thứ Năm, dạy tại Trường Tiểu học Púng Luông, rồi Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Dế Xu Phình; thứ Sáu, thứ Bảy lại về dạy ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi Tiếng Anh của Trường THCS thị trấn Yên Bình... Tất cả là tự nguyện, bởi thầy luôn tâm niệm: "Học sinh cần là tôi có mặt”. 

"Hello teacher”

Các em học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Lao Chải, Mù Cang Chải đều chào cô Vũ Hà Thu Phương - giáo viên môn Tiếng Anh biệt phái như vậy. Mặc dù chỉ dạy lớp 3 và tiết làm quen môn học cho lớp 5, song ngoài giờ lên lớp, cô Phương đã tổ chức nhiều hoạt động làm quen với tiếng Anh cho học sinh khu bán trú. "Tôi dạy các em về chào hỏi, bảng chữ cái và đếm số..., các em rất thích học, rất hào hứng, càng cho tôi thêm động lực” - cô Phương chia sẻ. 



Với kinh nghiệm 15 năm công tác, cô đã áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy để việc học tập của học sinh đạt hiệu quả khi thì bằng trực quan, khi lại thông qua các trò chơi. Đặc biệt, khi có máy chiếu cô kết nối tổ chức, nhiều lớp học "không biên giới”, với các trường học ở thành phố, ở nước ngoài, vừa giao lưu tiếng Anh vừa giao lưu văn hóa. 

Cô tâm sự: "Học sinh ở đây rất ít em được đi ra bên ngoài huyện nên việc tổ chức lớp học kết nối không chỉ giúp các em học tiếng Anh, mà còn cho các em thấy thế giới bên ngoài bao la rộng lớn”. Sự tận tâm của cô Phương đã lan tỏa tới đội ngũ giáo viên trong trường. Phương pháp dạy của cô cũng được Phòng GD&ĐT huyện lựa chọn dạy mẫu trong sinh hoạt chuyên môn. Với cô Phương, biệt phái là xung phong "chia lửa” và thấu hiểu để sẻ chia.

Kết nối yêu thương

Trường PTDTBT Tiểu học Tà Ghênh, huyện Mù Cang Chải là nơi cô giáo Phan Thị Lệ Hường - giáo viên Trường Tiểu học Yên Thịnh, thành phố Yên Bái được biệt phái. Trường mới được xây dựng nhưng cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Lúc mới nhận công tác,  ngược núi lên trường, cô không khỏi lo lắng sẽ dạy cho các em thế nào trong điều kiện khó khăn ấy. Rồi cô lựa chọn cách dạy không công nghệ hỗ trợ. Những tranh ảnh đi kèm giáo trình được cô khai thác tối đa, mỗi tuần về thành phố cô lại tìm kiếm, in tranh ảnh hỗ trợ tiết dạy tiếp theo. 

Nhận hỗ trợ từ bạn bè, cô mang tới 200 cuốn sách bài tập 1, 2 (theo giáo trình) cho học sinh. Cô luyện cho các em phương pháp tự học và rèn luyện. Những ngày đầu đông, học sinh không đủ chăn ấm, cô lại xin vải để tranh thủ lúc rảnh may chăn cho học trò. Các thầy cô trong trường đều chung tay phụ giúp. Cô còn vận động nhà hảo tâm ủng hộ nhà trường công trình nước sạch, cùng nhiều đồ dùng khác. 


Cô Phan Thị Lệ Hường tranh thủ thời gian sau buổi học may chăn cho học sinh vùng khó. 

Cô tâm sự: "Học sinh ở đây khó khăn và thiệt thòi lắm, thương lắm, càng kết nối được nhiều tài trợ càng giúp các em vững vàng vươn lên xây dựng tương lai tươi sáng”.

Thầy Hải, cô Hường, cô Phương là ba trong số 15 thầy cô biệt phái mang nhiệt huyết lên vùng cao. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục, họ còn là những người "chia lửa” với giáo dục vùng cao và "tiếp lửa” cho học trò nơi khó khăn này.

Thanh Ba

Tags giáo viên biệt phái Yên Bái

Các tin khác
Quang cảnh Hội thảo

Chiều 19/4, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông tại Trường THPT Nguyễn Huệ.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn tham quan các sản phẩm trưng bày tại Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn vừa tổng kết Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện cấp tiểu học, năm học 2023- 2024.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí thông tin về chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2024 tiếp tục được triển khai từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm từ ngày 27 đến 30/6 với nhiều đổi mới nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Giờ ôn tập kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Học sinh lớp 12 trên cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc ôn tập để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Lưu ý một số nội dung trong công tác dạy học, ôn tập, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Các nhà trường cần lưu ý hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch năm học 2023-2024; phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục