Yên Bái gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/12/2024 | 3:01:19 PM

YênBái - Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn kết hợp đưa nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc vào tiết học, các hoạt động của nhà trường, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Các nghệ nhân trao đổi với các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình
Các nghệ nhân trao đổi với các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình


Đến Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình vào buổi chiều hay các ngày cuối tuần thời gian này sẽ thấy những âm thanh rộn ràng và sắc màu rực rỡ của các em học sinh đang theo học các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết và nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc Tày, Dao, Cao Lan do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình phối hợp với nhà trường tổ chức. 

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai - dân tộc Tày, xã Xuân Lai thì đảm nhận truyền dạy lớp tiếng nói, chữ viết và nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Tày; Nghệ nhân ưu tú Hoàng Hữu Định, dân tộc Dao, xã Yên Thành thì đảm nhận lớp dân tộc Dao; nghệ nhân ưu tú Âu Thị Chính - dân tộc Cao Lan, xã Vũ Linh đảm nhận lớp dân tộc Cao Lan.

Em Hoàng Thị Ánh - học sinh lớp 7A hào hứng: "Với sự chỉ bảo tận tình của các nghệ nhan, sau hơn 2 tháng tham gia lớp học, đến nay em đã biết về tiếng nói, chữ viết, biết hát các làn điệu dân ca dân tộc Tày. Em sẽ gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình”. 

Với hơn 95% học sinh của nhà trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình luôn mong muốn mở các lớp giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc vì hiện nay các em học sinh về học tập trung tại trường với thời gian tương đối dài nên một số nét văn hóa có phần mai một. 

Cô giáo Bùi Thị Kim Thoa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình cho biết: "Từ đầu tháng 9/2024, được sự quan tâm của các nghệ nhân và niềm yêu thích của các em học sinh nên chúng tôi đã tổ chức sau buổi học 2 và các ngày cuối tuần giảng dạy cho học sinh về tiếng nói, chữ viết và các làn điệu dân ca, dân vũ của 3 dân tộc trên địa bàn huyện. Qua lớp học, chúng tôi mong muốn các em  sẽ tiếp thu những giá trị đặc sắc về tiếng nói, chữ viết và biết hát, múa các làn điệu truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần và bảo vệ di sản văn hóa các dân tộc tại địa phương”. 

Còn với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái, đã thành thông lệ, vào mỗi ngày thứ hai đầu tuần hay những ngày lễ, những sự kiện quan trọng của trường, các em học sinh lại được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Mỗi bộ trang phục đều toát lên vẻ đẹp riêng độc đáo như những bộ váy Mông với hoa văn rực rỡ sắc màu; trang phục dân tộc Thái với áo cỏm, váy nhung mềm mại, duyên dáng; trang phục Phù Lá với sắc cam đỏ pha thêm xanh trắng cùng với khăn vấn; trang phục Tày với sắc đen chàm… Tất cả đã tạo nên một bức tranh sắc màu văn hóa dân tộc ngay trong không gian trường học. Cùng với đó, nhà trường còn thành lập Câu lạc bộ văn hóa dân tộc với nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút đông đảo các em học sinh tham gia.


Thông qua lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết và nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc, các em học sinh thêm yêu quý và trân trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình

Em Hờ Thị Chia - học sinh lớp 11C2 chia sẻ: "Mỗi lần được mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, em rất tự hào. Qua các hoạt động ngoại khóa của trường, chúng em có cơ hội được giao lưu, học hỏi để thêm hiểu và tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng như hiểu và tôn trọng hơn những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc khác trên địa bàn".

Năm học 2024 - 2025, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh có 12 lớp với 421 học sinh đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Không chỉ chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học, hàng năm, nhà trường đều lồng ghép các hoạt động giữ gìn văn hóa dân tộc vào các bộ môn liên quan và chương trình giáo dục địa phương trong giảng dạy chính khóa; tổ chức các chương trình ngoại khóa tìm hiểu về sinh hoạt và nét đẹp văn hóa các dân tộc với các hình thức phong phú. Đặc biệt, nhà trường đã xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa dân tộc trong phòng truyền thống để học sinh sưu tầm, trưng bày những hiện vật về đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân tộc mình và giới thiệu với bạn bè. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh cho biết: "Đưa giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp với những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, các hoạt động của nhà trường đã góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc tại địa phương, giúp các em tự tin, tự hào về bản sắc, truyền thống của dân tộc mình. Cùng với đó, kết nối tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong tập thể học sinh của trường nội trú, khi các em về đây sinh hoạt dưới một mái trường”. 

Trong bối cảnh giao thoa và tiếp biến văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, việc gắn công tác giáo dục với gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc sẽ giúp lớp chủ nhân tương lai nâng cao nhận thức, tự hào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ đó các em thêm yêu quý và trân trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tạo động lực thôi thúc các em không ngừng nỗ lực, cố gắng, có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quê hương.

Thanh Chi

Tags Yên Bái bản sắc văn hóa dân tộc trường học

Các tin khác
Cô và trò Trường PTDTBT THCS Nậm Mười, huyện Văn Chấn trong giờ học chính khóa.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Nậm Mười, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn nằm trên địa bàn xã vùng cao đặc biệt khó khăn với nhiều thiếu thốn mọi mặt. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà nước và địa phương, thầy trò nhà trường đã tích cực khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học.

Phần dự thi của học sinh đến từ Trường THCS Phúc Sơn

Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ vừa khai mạc Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS, năm học 2024-2025.

Đánh giá tư duy tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024.

Năm 2025, những kỳ thi riêng uy tín tiếp tục được thực hiện cho thấy sự chủ động của các nhà trường trong tăng cường chất lượng tuyển sinh đầu vào. Về phía thí sinh các cơ hội xét tuyển cũng trở nên rộng mở hơn.

Công nhận xếp hạng của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại học Quốc gia Hà Nội có bước tiến vượt bậc lên vị trí 325 trong bảng xếp hạng các đại học phát triển bền vững trên thế giới theo QS.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục