Tuy đã được tỉnh dành nhiều nguồn lực phát triển nhưng ngành GD&ĐT vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, thiếu giáo viên so với định mức, đặc biệt ở các môn như tiếng Anh, Tin học. Trận lũ lịch sử đầu năm học 2024 - 2025 đã làm ngập úng nhiều trường học, hư hại cơ sở vật chất và khiến hàng nghìn học sinh phải tạm dừng việc học. Những khó khăn này đã đặt ra thách thức lớn cho ngành GD&ĐT Yên Bái trong việc bảo đảm tiếp tục giảng dạy và học tập cho học sinh.
Trước tình trạng thiếu giáo viên, ngành đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp linh hoạt là biệt phái giáo viên tiếng Anh từ vùng thấp lên vùng cao, nhằm đảm bảo việc giảng dạy ở những địa bàn khó khăn. Tỉnh cũng đã có chính sách thu hút giáo viên tiếng Anh về công tác tại các huyện vùng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho họ yên tâm công tác lâu dài.
Ngoài ra, ngành đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo cử nhân sư phạm Anh ngữ theo hình thức cử tuyển ngay tại địa phương. Ngành đã nhờ sự hỗ trợ từ các tỉnh Nam Định, Hà Nội và Hải Phòng trong việc bố trí giáo viên dạy trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học và THCS.
Tuy một số trường học đã có sự cải thiện về cơ sở vật chất nhưng vẫn còn nhiều đơn vị còn khó khăn. Ngành đã tiến hành rà soát và điều chỉnh kế hoạch đầu tư. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng và các tổ chức, cá nhân nhằm cải thiện cơ sở vật chất cho các trường học. Đặc biệt, ngay sau khi cơn lũ lịch sử đi qua, toàn ngành dồn lực, cùng với sự hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, những đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm các trường học đã nhanh chóng trở lại học tập bình thường, đảm bảo đủ sách vở, trang thiết bị dạy học cần thiết.
Toàn ngành đã linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy học mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Nhiều giáo viên đã tích cực tham gia các khóa bồi dưỡng về công nghệ thông tin nâng cao khả năng giảng dạy theo phương pháp mới, hiện đại. Các trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa và chương trình giao lưu trực tuyến, tạo cơ hội cho học sinh giao lưu và học hỏi lẫn nhau thông qua mô hình lớp học không biên giới... Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh phát triển kỹ năng mềm mà còn tạo ra một môi trường học tập tích cực.
Những nỗ lực của ngành GD&ĐT Yên Bái đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được nâng lên, số lượng học sinh giỏi quốc gia tăng so với năm học trước với 40 giải, tăng 7 giải; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,4%, cao hơn năm trước 0,56%. Hoạt động giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học, giáo dục gắn với thực tiễn được ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm túc có 2 dự án tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đạt giải Nhì; 1 dự án đạt giải Nhì, 1 dự án đạt giải Ba Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”…
Công tác xây dựng trường học hạnh phúc, trường xanh, trường học chuyển đổi số được thực hiện bài bản, hiệu quả, có sức lan tỏa. 400/451 trường được công nhận Trường học hạnh phúc, đạt 88,7%; 80,5% trường đạt "Trường xanh”; 52,9% trường đạt tiêu chí "Trường học chuyển đổi số”. Công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì và nâng cao; so với năm trước.
Bà Nguyễn Thu Hương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Thời gian qua, Sở GD&ĐT đã tích cực tham mưu với tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ phát triển GD&ĐT tại địa phương. Với mỗi nghị quyết, chính sách được ban hành, ngành đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, hiệu quả. Các nghị quyết, chính sách được ban hành cơ bản giải quyết được những khó khăn, bất cập xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh”.
Tuy còn nhiều thách thức nhưng với sự quyết tâm của ngành GD&ĐT Yên Bái, các hoạt động giáo dục đã dần ổn định trở lại, mang lại hy vọng và niềm tin cho cộng đồng.
Thanh Ba