Giải pháp nào cho công tác đào tạo nghề ở Trạm Tấu?
- Cập nhật: Thứ ba, 16/11/2010 | 9:30:22 AM
YBĐT - Công tác đào tạo nghề cho lao động được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để giúp người dân vùng cao xóa đói giảm nghèo, từng bước đưa Trạm Tấu (Yên Bái) thoát khỏi huyện nghèo. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này tại huyện còn gặp nhiều khó khăn và hiệu quả sau đào tạo nghề ở đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Lớp học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm.
|
Ông Hoàng Văn Sâm - Trưởng phòng Lao động - Thương binh xã hội huyện cho biết: Nguyên nhân của thực trạng này được xác định là do huyện chưa có quy hoạch, chưa xây dựng được chương trình khung, tiêu chí chọn nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không có sự gắn kết chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp và người lao động dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải tự tìm nguồn lao động, trong khi người lao động lại thiếu việc làm.
Một yếu tố quan trọng nữa là người lao động ở Trạm Tấu là vẫn giữ thói quen của người làm nông nghiệp, thích gì làm nấy, thiếu kiên trì, thiếu quyết tâm, nhiều gia đình có suy nghĩ cho con đi học nghề sẽ không còn người để phụ giúp việc gia đình nên người lao động khó tiếp cận với những cơ hội để được học nghề và tìm cho mình một việc làm tốt. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời kết hợp với đào tạo nghề để nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu đề ra, tháng 4 năm 2008, Trung tâm dạy Nghề huyện Trạm Tấu được thành lập và đến tháng 4 năm 2010 chính thức đi vào hoạt động. Bà Huỳnh Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm dạy Nghề huyện cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã mở 13 lớp với 180 học viên tham gia.
Trong đó, nghề xây dựng 2 lớp, trồng trọt chế biến nông, lâm sản 3 lớp, chăn nuôi thú y 3 lớp, dệt thổ cẩm 2 lớp, 1 lớp học may và 2 lớp bảo vệ thực vật. Ngoài ra, Trung tâm liên kết với Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái mở một lớp đào tạo lái xe cho 37 học viên, phối hợp với Phòng Nội vụ huyện mở 2 lớp nghề cho thanh niên. Ngoài những khó khăn về yếu tố địa lý, về hoàn cảnh gia đình của người lao động, cán bộ Trung tâm còn gặp những khó khăn do người lao động chưa đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông nên chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đào tạo nghề.
Theo bà Hoa, khó khăn nhất là việc đi tuyên truyền vận động, làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác đào tạo nghề. Mỗi khi có chương trình mở lớp đào tạo nghề, cán bộ trung tâm phải xuống các thôn, bản, tuyên truyền vận động người lao động tham gia đào tạo nghề. Khi đã vận động được họ đến Trung tâm học nghề thì một số lao động lại bỏ dở chương trình học giữa chừng hoặc có theo học cũng không đều. Bên cạnh đó, trang thiết bị, vật tư, thực địa thực hành còn thiếu, kinh phí cho các lớp dạy nghề ít nên Trung tâm không có đủ điều kiện đưa học viên đi thăm quan các mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh do đó chưa thu hút được người học.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm huyện Trạm Tấu đào tạo nghề cho trên 200 lao động và tạo việc làm mới cho trên 600 lao động, song chủ yếu vẫn tập trung giải quyết việc làm trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông lâm nghiệp tại địa phương, lao động tham gia làm việc tại các doanh nghiệp ít. Trên thực tế, lực lượng lao động ở Trạm Tấu đa số là lao động phổ thông, trình độ văn hóa còn hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thấp nên chưa đáp ứng yêu cầu của địa phương và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động.
Mục tiêu của huyện Trạm Tấu đặt ra trong giai đoạn 2010 - 2015 là phấn đấu đào tạo nghề cho 2.500/3.000 lao động. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện cần có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo từng giai đoạn cụ thể, song song với việc đào tạo nghề ngắn hạn, huyện cũng cần đào tạo một lực lượng lao động có trình độ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của huyện để cung ứng cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tại địa phương.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người trong độ tuổi lao động tích cực tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn và dài hạn, cấp uỷ, chính quyền các địa phương chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề xây dựng kế hoạch đào tạo theo ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; cần có một chiến lược đào tạo nghề mang tính toàn diện, hoạt động dạy nghề phải gắn với tạo việc làm, giới thiệu học viên đến làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh.
Chương trình xuất khẩu lao động dành cho các huyện nghèo của Chính phủ được coi là “cơ hội vàng” đối với lao động tại huyện Trạm Tấu. Để nắm bắt được cơ hội này, người lao động nhất thiết phải được qua đào tạo nghề, nên chính quyền địa phương và người lao động trong huyện không thay đổi cách nghĩ, cách làm thì cơ hội đó sẽ mất đi. Do đó cần phải có một giải pháp đồng bộ để giúp huyện vùng cao Trạm Tấu thoát khỏi khó khăn.
Hà Anh