Trung tâm Dạy nghề thành phố: Giúp lao động nông thôn có nghề

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/3/2011 | 9:26:06 AM

YBĐT - Dù mới được thành lập từ năm 2008, song Trung tâm Dạy nghề thành phố Yên Bái đã trở thành địa chỉ đào tạo nghề tin cậy đối với người lao động trên địa bàn, đặc biệt là lao động thuộc các xã vùng ven, người nghèo, người bị thu hồi đất để xây dựng các dự án.

Trung tâm Dạy nghề thành phố tổ chức khai giảng lớp trồng trọt, chế biến nông sản tại xã Văn Phú.
Trung tâm Dạy nghề thành phố tổ chức khai giảng lớp trồng trọt, chế biến nông sản tại xã Văn Phú.

Năm 2010, Trung tâm Dạy nghề thành phố đã mở 10 lớp đào tạo nghề cho 290 học viên, trong đó có 7 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và 3 lớp đào nghề cho người nghèo. Các học viên được đào tạo nghề chăn nuôi - thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, nuôi thủy sản nước ngọt, may dân dụng và xây dựng.

Thông qua các lớp đào tạo nghề đã tạo điều kiện cho người lao động tiếp thu kiến thức KHKT áp dụng vào sản xuất, kinh doanh nâng cao năng xuất và giá trị sản phẩm. Nhiều hộ gia đình tại các xã Âu Lâu, Giới Phiên, Nam Cường, Văn Phú đã xây dựng được các mô hình phát triển chăn nuôi hiệu quả, quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Học viên tham gia vào các lớp đào tạo nghề về xây dựng đã thành lập một số tổ, đội sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Trần Đình Thắng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thành phố Yên Bái cho biết: “Để mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyển sinh các lớp dạy nghề, dựa theo nhu cầu của người lao động để tuyển sinh đúng đối tượng. Trong quá trình học, học viên được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách, đảm bảo nhanh gọn, hợp lý, được trang bị vật tư thực hành và được thăm quan một số mô hình điển hình tại các địa phương.

Kết thúc khóa học, học viên được cấp chứng chỉ và được giới thiệu việc làm phù hợp với nhu cầu của mình”. Ông Thắng khẳng định, sau khi được đào tạo, các học viên đều nắm được những kiến thức cơ bản về ngành nghề mình được đào tạo và áp dụng có hiệu quả vào phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Do đó, người lao động thành phố có nhu cầu học nghề ngày càng tăng.

Bên cạnh thuận lợi, Trung tâm Dạy nghề thành phố cũng gặp nhiều khó khăn do địa bàn tuyển sinh rộng, đời sống của người dân các xã vùng ven còn nhiều khó khăn, vì vậy, việc tiếp cận thông tin về đào tạo nghề còn hạn chế. Hiện nay, do thiếu giáo viên nên đơn vị chưa chủ động trong việc bố trí cán bộ, thường xuyên phải thuê giáo viên là kỹ sư thuộc các chuyên ngành tham gia giảng dạy.

Ông Nguyễn Quốc Huy - cán bộ đào tạo Trung tâm Dạy nghề thành phố cho biết: “Do trình độ nhận thức của các học viên không đồng đều, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo còn thiếu và xuống cấp nên việc truyền đạt những kiến thức cho học viên cũng gặp không ít khó khăn. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ cho các học viên tham gia học nghề thấp cũng gây khó khăn trong việc tuyển sinh các lớp học. Hầu hết học viên cho rằng mức hỗ trợ học nghề 5.000 đồng/ngày là quá thấp, cần chính sách hỗ trợ thêm kinh phí học nghề”.   

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, đòi hỏi lực lượng lao động đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đặc biệt là các nghề phi nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Năm 2011, Trung tâm Dạy nghề thành phố phấn đấu mở 20 lớp, đào tạo cho trên 600 lao động nông thôn. Trong đó, mở thêm một số ngành nghề mới như: sản xuất rau sạch, sản xuất mây tre đan, gò hàn, cơ khí, bảo vệ thực vật…

Để thực hiện được mục tiêu này, Trung tâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là các chính sách hỗ trợ về kinh phí để người lao động yên tâm khi tham gia học nghề. Tích cực đổi mới và nâng cao các chương trình đào tạo nghề cho phù hợp hơn với nhu cầu của người học, thu hút học viên tham gia học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập để giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, vấn đề thành phố và Trung tâm Dạy nghề cần quan tâm là sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để tạo ra lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho người lao động sau khi đào tạo và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.

P.V

Các tin khác
Quang cảnh buổi làm việc.

Vừa qua, Đoàn công tác Bộ Giáo dục – Đào tạo do ông Đặng Minh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch – Tài chính làm trưởng đoàn đã làm việc tại huyện Văn Yên về các chương trình, dự án, đề án đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt liên quan đến chế độ, chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái cùng các đơn vị tài trợ trao tặng học bổng giúp học sinh khó khăn cho Trường THCS&THPT Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn.

Đầu tháng 5 vừa qua, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái cùng Quỹ "Vạn dặm thương yêu" đã tổ chức Chương trình trao học bổng “Vạn dặm thương yêu” cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường THCS&THPT Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn.

Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ hoàn thiện dự án luật Nhà giáo để trình Chính phủ vào giữa tháng 7 năm nay. Ảnh minh hoạ.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT), tính từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, cả nước vẫn còn 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

100% trường học ở Yên Bái xây dựng trường học hạnh phúc. (Trong ảnh: Hoạt động ngoại khóa gìn giữ văn hóa truyền thống ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh).

Một trong những thành công đáng kể của công tác giáo dục ở Yên Bái là việc xây dựng một môi trường học tập thân thiện và khuyến khích sự tương tác xã hội. Các trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là nơi hình thành những giá trị nhân văn và đạo đức. Xác định được vai trò đó, trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã không ngừng nỗ lực đổi mới góp phần xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo và hội nhập".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục