Tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn
- Cập nhật: Thứ ba, 12/7/2011 | 8:56:55 AM
YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn Trấn Yên có trên 150 doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia chế biến gỗ rừng trồng, giải quyết cho trên 1.500 lao động có việc làm và thu nhập ổn định.
Chế biến gỗ rừng trồng thu hút lao động xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên.
|
Lương Thịnh là xã có số cơ sở chế biến gỗ rừng trồng cao nhất, nhì huyện Trấn Yên. Toàn xã hiện có 65 cơ sở chế biến gỗ, sản phẩm chủ yếu là gỗ ghép thanh, ván bóc, ván ép.
Các cơ sở này đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động là người địa phương với mức thu nhập bình quân từ 1,3 - 1,7 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên, nhiều hộ gia đình đã mua sắm vật dụng có giá trị phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Bà Nguyễn Thị Quyết, thôn Đồng Hạc, cho biết: “Các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng tại địa phương đã tạo nhiều việc làm cho người dân. Thu nhập của người lao động tham gia chế biến gỗ rừng trồng tăng từ 2 - 3 lần. Người lao động có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình.
Ông Đào Văn Lợi ở thôn Đồng Bằng cho biết: “Xưởng bóc gỗ của ông chỉ có 1 chiếc máy bóc và hai chiếc máy cưa song đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động. Số lao động thời vụ có lúc lên đến 20 người. Tuy nhiên, người lao động chủ yếu được đào tạo nghề theo hình thức cầm tay chỉ việc và dựa vào kinh nghiệm của mình là chính, việc làm cho người lao động phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ, vùng nguyên liệu và yếu tố thời tiết.
Hiện nay, trên địa bàn Trấn Yên có trên 150 doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia chế biến gỗ rừng trồng, giải quyết cho trên 1.500 lao động có việc làm và thu nhập ổn định.
Việc mở xưởng gỗ không khó, đầu tư không lớn, việc chế biến thô lại không đòi hỏi lao động phải có tay nghề cao, thị trường đầu ra cho ván bóc và một số sản phẩm sơ chế khác cũng khá dễ dàng nên trong những năm gần đây không riêng gì Trấn Yên, mà nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển mạnh các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.200 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động. Bên cạnh đó, trên 160 nghìn lao động đã có việc làm nhờ tham gia trồng, bảo vệ rừng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh đã dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất, chi phí sản xuất đầu vào tăng. Trong khi đó, các cơ sở chủ yếu là chế biến thô, chất lượng sản phẩm thấp nên rất khó cạnh tranh trên thị trường, sản phẩm tiêu thụ ít, doanh thu thấp nên thu nhập của người lao động cũng giảm theo. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với công nghệ sản xuất lạc hậu đã bị phá sản, người lao động mất việc làm đã tăng thêm áp lực cho xã hội.
Yên Bái là tỉnh có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lớn trong cả nước, tuy vậy những bất cập trong việc mở rộng, đầu tư ồ ạt các cơ sở chế biến đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành.
Để công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, thu hút một lực lượng lao động của địa phương thì việc phát triển các cơ sở chế biến theo vùng nguyên liệu cần được quy hoạch với quy mô phù hợp, tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động, đầu tư nâng cấp trang thiết bị máy móc hiện đại để có thể sản xuất ra sản phấm chất lượng cao.
Thêm vào đó, các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng cần có sự liên kết để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đưa các cơ sở này phát triển bền vững, tạo việc làm thường xuyên và lâu dài cho người lao động, đưa công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có.
M.C
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cấp hội nông dân tỉnh Yên Bái đã phối hợp mở 31 lớp dạy nghề cho 900 hội viên nông dân về trồng trọt, chăn nuôi - thú y, chế biến lâm sản, kỹ thuật may mặc, sửa chữa điện dân dụng…
Theo Cục việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), ba năm gần đây, số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc có xu hướng tăng.
Đây là nhận định của TS Hồ Văn Hoành, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam tại hội thảo "Đào tạo nhân lực - Những thuận lợi và trở ngại" tổ chức ngày 1-7. TS Hồ Văn Hoành cho biết thêm, hiện cả nước có 53 triệu người trong độ tuổi lao động.
YBĐT - “Yên Bái sẽ tập trung nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh”. Đây là khẳng định của ông Hà Hùng Thịnh - Phó ban Quản lý các KCN Yên Bái trong cuộc trao đổi với phóng viên YBĐT.