Nuôi cá lồng - nhìn từ Vân Hội

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/11/2011 | 9:16:55 AM

YBĐT - Thực tế, nghề nuôi cá lồng ở Vân Hội cho thấy, muốn nuôi cá lồng hiệu quả đòi hỏi người nuôi phải nắm vững và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu chọn con giống đến cách phòng chống dịch bệnh. >>Hồ Vân Hội tiềm năng lớn cần khai thác / Tắm thác Vân Hội

Dẫu chưa phải là tỉnh có phong trào mạnh nhưng những đóng góp từ chăn nuôi thủy sản vào phát triển kinh tế địa phương thì khó ai có thể phủ nhận được. Sản lượng đánh bắt hàng năm đạt trên 6 ngàn tấn cá, tôm, hàng trăm hàng ngàn hộ dân đã và đang sống bằng chăn nuôi thủy sản.

Tuy nhiên, việc chăn nuôi thủy sản, nhất là nuôi cá lồng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Nghề nuôi cá lồng chính thức du nhập vào Yên Bái từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước nên tuy là một nghề mới, vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả lại cao, do vậy chỉ trong một thời gian ngắn nhân dân các địa phương trong tỉnh phát triển khá mạnh nghề nuôi cá lồng.

Ở đâu có hồ, có sông, có ngòi đủ điều kiện là ở đó có lồng nuôi cá, có những thời điểm toàn tỉnh có cả ngàn lồng cá. Thế nhưng qua gần 20 năm, nghề nuôi cá lồng trải qua biết bao thăng trầm, năm thì thắng lợi lớn, năm  lại thất bại nặng nề. Mặt nước có, vốn đầu tư không lớn, thậm chí một vài năm trở lại đây tỉnh, huyện còn có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng lồng và mở hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả rõ nét.

Phó chủ tịch UBND xã Vân Hội, ông Đào Văn Hân cho biết: “Nghề nuôi cá lồng ở Vân Hội được bắt đầu từ năm 1992, lúc đầu chỉ có một hai lồng, sau một năm đã phát triển được 20 lồng. Đến năm 1995, do thiếu kỹ thuật chăn nuôi, cùng với cá giống nhỏ quá nên cá chết hàng loạt, nhiều gia đình vừa thoát nghèo lại rơi vào cảnh nghèo, cứ tưởng nghề nuôi cá lồng không trụ vững được nhưng với những người dân năng động, không cam chịu đói nghèo lại tiếp tục đầu tư và phát triển cho đến tận hôm nay".

Có thời điểm toàn xã có đến gần 300 lồng, sản lượng khai thác đạt hàng trăm tấn, nhiều gia đình giàu lên từ cá, nhà xây, xe máy cũng nhờ nuôi cá mà có. Ở  vùng nông thôn như Vân Hội thì nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất nhưng không phải hộ nào cũng nuôi được mà phải đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật và làm tốt công tác phòng chống dịch cho cá.

Ông Hân dẫn chúng tôi xuống thôn 5, đây là thôn có cả trăm lồng nuôi cá. Anh chị Trần Trung Hiền hồ hởi đón tiếp và bơi thuyền đưa chúng tôi ra thăm lồng cá của gia đình. Chị vợ tâm sự: Thấy giá cả, nhất là giá cá ngày một cao nên mấy tháng trước nhà em quyết định đầu tư 10 triệu đồng làm thêm một lồng lưới để nuôi cá trắm cỏ và cá trắm đen. Nuôi trắm đen giá cao hơn, hiệu quả hơn nhưng rất khan hiếm nguồn giống và giá rất đắt, nguồn thức ăn cũng hiếm vì giống cá này chỉ ăn ốc.

"Người ta cứ bảo ăn cá lồng không ngon, thịt nhão, đó là cá nuôi theo kiểu công nghiệp thôi.Trên 200 lồng cá của người dân nuôi trên đầm Vân Hội này tôi đố tìm thấy nhà nào nuôi công nghiệp vì thứ nhất là không có vốn, thứ hai là nguồn thức ăn cho cá ở trên hồ rất sẵn. Các anh thấy đấy, tôi vừa đi chưa đầy nửa tiếng mà đã vớt được cả thuyền rong về, có cho ăn hai ba ngày chẳng hết tội gì cho ăn cám công nghiệp? " - Chủ lồng cá nói vậy. 

Cũng theo vợ chồng anh Hiền, nghề nuôi cá lồng này cũng lắm công phu, ngoài việc phải đầu tư tiền lồng, đòi hỏi phải đóng lồng đảm bảo kích cỡ và chọn giống phải tốt, nuôi mật độ vừa phải đồng thời phải làm tốt phòng chống dịch bệnh bằng cách thường xuyên vệ sinh chồng nuôi và rắc vôi bột thì mới hiệu quả. Do không tuân thủ quy trình nuôi và phòng chống dịch bệnh nên trong năm 2010 có rất nhiều gia đình ở Vân Hội cá bị chết hàng loạt.

Một trong những yếu tố mà người dân Vân Hội nuôi cá lồng hiệu quả và ổn định là biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, từ khâu chọn con giống khoẻ mạnh đến khâu vệ sinh chuồng nuôi và nguồn nước nuôi. Để chủ động nguồn giống nuôi chất lượng ngay tại xã, có hàng chục hộ đào ao nuôi cá giống để cung cấp cho các hộ nuôi cá lồng.

Chị Hiền đang vệ sinh lồng nuôi cá. (Ảnh: Quang Tuấn)

Không chỉ thành công trong phát triển nuôi cá trắm cỏ, một số hộ đã đưa nuôi thử nghiệm cá trắm đen, cá nheo để đa dạng hoá sản phẩm cung cấp cho thị trường. Nhờ nuôi cá lồng mà nhiều hộ ở Vân Hội từ nghèo khó nay đã có cuộc sống khá giả hơn, xây được nhà cửa khang trang như gia đình bà Tú, bà Bình, ông Trung, ông Lùng...

Thực tế, nghề nuôi cá lồng ở Vân Hội cho thấy, muốn nuôi cá lồng hiệu quả đòi hỏi người nuôi phải nắm vững và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu chọn con giống đến cách phòng chống dịch bệnh.

Người dân nơi đây cũng mong muốn ngành thủy sản mở nhiều hơn nữa các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thủy sản, nhất là tìm thêm những nguồn giống cá mới chất lượng, giá trị kinh tế cao giúp người dân có thu nhập ổn định.

Ngọc Trúc

Các tin khác

Người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại Việt Nam, trong thời hạn 30 ngày trước khi thực hiện gói thầu (hoặc dự án) phải đề nghị bằng văn bản với chủ tịch UBND tỉnh hoặc thành phố sở tại về việc tuyển lao động Việt Nam và có xác nhận của chủ đầu tư về phương án sử dụng lao động Việt Nam đã được kê khai trong hồ sơ dự thầu.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, thôn 3, xã Văn Phú.

YBĐT - Đã có nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, gia đình lại có điều kiện để mở rộng quy mô chăn nuôi. Song cái khó đối với gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn 3, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái là thiếu kiến thức về chăn nuôi -thú y nên gia đình không dám mở rộng quy mô sản xuất.

Ngày 3-11, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã tổ chức hội thảo kiểm định chất lượng dạy nghề.

Huyện Trạm Tấu đã giải quyết việc làm mới cho 681 lao động

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, huyện đã và đang đào tạo nghề cho 640 lao động, trong đó 325 lao động đã tốt nghiệp, 315 lao động đang học nghề.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục