Thi đua xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ tư, 6/6/2012 | 9:31:33 AM
YBĐT - Những năm qua, Hội Nông dân xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái) đã vận động hội viên tích cực đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Những kết quả bước đầu đã giúp cho nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bê tông hóa đường GTNT ở xã Y Can (Trấn Yên). (Ảnh: Quyết Thắng)
|
Xã Văn Tiến có 6 thôn, 821 hộ, trong đó 390 hộ có thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp. Để nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác, Đảng bộ, chính quyền xã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Từ năm 2007 đến nay, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các phòng chức năng của thành phố mở 37 lớp tập huấn, học nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 100% số hộ nông dân trong xã tham gia.
Nội dung tập trung dạy nghề điện và may dân dụng, chăn nuôi thú y, thủy sản, sản xuất chè và đưa các giống lúa, ngô, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao tới từng hộ gia đình. Hàng năm, xã đã tạo việc làm mới cho trên 40 lao động với mức thu nhập trên 2,2 triệu đồng/người/tháng.
Với 96,2ha ruộng nước gieo cấy bằng các giống lúa lai đã cho năng suất bình quân 51 tạ/ha/vụ. Bên cạnh đó, hàng năm, toàn xã gieo trồng 22ha ngô đông, 4,5ha rau màu, đậu đỗ các loại. Địa phương đưa các giống chè mới vào trồng thay thế cho 80ha chè, chăm sóc tốt 20ha cây ăn quả, 397ha rừng keo lai, bạch đàn... đã mang lại nguồn thu cho nhân dân trên 5 tỷ đồng mỗi năm.
Đồng chí Phạm Quang Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Tiến cho biết: "Trên thực tế, diện tích đất nông nghiệp so với số khẩu nông dân trong xã là thiếu đất canh tác. Địa phương lại có nhiều diện tích nằm trong khu công nghiệp nên đất đai luôn biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp. Tạo ngành nghề mới cho nông dân là vấn đề đặt ra từ nhiều năm nay đối với Đảng bộ, chính quyền xã".
Từ năm 2007 đến nay, xã đứng ra tín chấp vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là 310 triệu đồng mua 135 tấn phân bón các loại, ứng trả chậm cho nông dân; nhận hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 141 hộ vay vốn phát triển kinh tế với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Từ những nguồn vay này, trung bình mỗi năm, xã giảm được 30 đến 40 hộ nghèo. Hiện nay, Văn Tiến có 30% số hộ khá và giàu, nhiều hộ thu nhập từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng/năm, điển hình như gia đình anh Thạch, anh Chi, anh Nghiêm, anh Lân… Thi đua xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn xã đã có nhiều hộ hiến đất làm đường giao thông nông thôn đồng thời đóng góp 785 triệu đồng, 3.500 ngày công lao động, hoàn thành 4km đường bê tông, làm mới 5 nhà văn hóa thôn. Các hội viên còn tích cực tuyên truyền, vận động nhau thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường…
Đến nay, Văn Tiến có trên 85% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn hiện đại.
Với khẩu hiệu "Đoàn kết, năng động, sáng tạo", là lực lượng nòng cốt xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã Văn Tiến tiếp tục cố gắng để đạt được nhiều thành công hơn nữa trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thạch Phong
Các tin khác
Đào tạo nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam từ nay đến năm 2020.
YBĐT - Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT (Đề án 1956) theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội cho nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Qua gần 2 năm triển khai ở Yên Bái, Đề án đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Hội Liên hiệp phụ nữ VN đã đưa vào hoạt động thí điểm Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước (MRC).
YBĐT - Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề để đảm bảo người lao động sau khi học nghề có được kỹ năng nghề tốt, Trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ còn đặc biệt quan tâm đến giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.