“1956” ở Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ ba, 17/7/2012 | 9:29:09 AM
YBĐT - Các ngành chức năng đánh giá, 100% học viên học nghề nông nghiệp, 30% nghề phi nông nghiệp biết áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề ở Trạm Tấu (Yên Bái) vẫn còn nhiều khó khăn.
Học nghề theo cách “cầm tay chỉ việc” giúp bà con dễ tiếp thu tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.
Ảnh: Cán bộ khuyến nông huyện Trạm Tấu hướng dẫn đồng bào Mông xã Tà Xi Láng cách chăm sóc ngô đồi.
|
Sau gần 3 thực hiện Quyết định 1956/QĐ – TTg ngày 29/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) năm 2012 và đến năm 2020, nhiều LĐNT Trạm Tấu đã tìm được hướng mới trong phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
Anh Lưu Xuân Hợp ở khu V, thị trấn Trạm Tấu sinh ra trong 1 gia đình nghèo, nhà đông anh em, mong muốn thoát nghèo và vươn lên làm giàu luôn thôi thúc anh nhưng vốn không có lại không có nghề nghiệp ổn định nên anh lúng túng trong việc phát triển kinh tế gia đình. Trong lúc chưa tìm được hướng đi cho mình thì Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT (Đề án 1956) được triển khai tại huyện. Anh Hợp đăng ký tham gia lớp học nghề sửa chữa xe máy.
Anh chia sẻ: “Bản thân tôi rất thích được đi học nghề nhưng gia đình không có điều kiện. Rất may năm 2010, huyện mở lớp dạy nghề sửa chữa xe máy nên tôi đã theo học. Sau 3 tháng tôi đã nắm được những kỹ năng cơ bản. Sau 1 năm, tôi đã mở được hiệu sửa xe của riêng mình, dù còn nhỏ nhưng nhờ đó cũng giúp tôi ổn định cuộc sống”.
Mới 25 tuổi nhưng giờ đây Lưu Xuân Hợp không chỉ có một cửa hàng sửa chữa xe máy mà còn có một ngôi nhà khang trang trị giá gần trăm triệu đồng. Tốt nghiệp lớp đào tạo nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng nấm rơm,10 hộ gia đình ở xã Hát Lừu do gia đình chị Lường Thị Điện làm tổ trưởng đã thực hiện mô hình trồng nấm rơm tại thôn Lừu II.
Kiên trì vận dụng những kiến thức đã được học, các chị đã thực hiện thành công mô hình trồng nấm. Mặc dù chưa thể làm giàu ngay từ mô hình trồng nấm này nhưng họ đã có kiến thức cơ bản để nhân rộng mô hình ngay tại gia đình, bước đầu ổn định cuộc sống. Chị Điện cho biết: “Sau khi được học kỹ thuật trồng nấm tại lớp học nghề ngắn hạn, chị em tôi cũng thấy mình có thể làm được, vừa tận dụng được nguồn rơm khô, vốn đầu tư ít, trong khi đó nấm là loại sản phẩm đang được người tiêu dùng vùng cao ưa chuộng.
Trong thời gian tới chị em tôi sẽ nhân rộng mô hình này”. Đây là 2 trường hợp tiêu biểu biết phát huy kiến thức được học từ Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Các ngành chức năng đánh giá, 100% học viên học nghề nông nghiệp, 30% nghề phi nông nghiệp biết áp dụng vào thực tế nhưng thực tế. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề ở Trạm Tấu vẫn còn nhiều khó khăn.
Bà Huỳnh Thị Hoa – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Trạm Tấu cho biết: “Sau hơn 2 năm thực hiện, Trung tâm đã mở 26 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 753 học viên. 98% học viên được cấp chứng chỉ, 20% học viên có trình độ khá giỏi, còn lại đạt yêu cầu, nhưng đây là kết quả trên lớp học, thực tế đối với nghề phi nông nghiệp chỉ có khoảng 30% số lao động được học nghề phát huy kiến thức đã học”. Bà Hoa cũng cho biết, để học viên yên tâm học tập, Trung tâm đã cố gắng tạo điều kiện về nơi ăn chốn ở cho học viên.
Thực tế ở Trạm Tấu, công tác đào tạo nghề đã gặp nhiều khó khăn ngay từ khi bắt đầu thực hiện. Mở lớp dạy nghề thì người lao động tự ty mặc cảm, không muốn xa nhà, xa gia đình, mặc dù các cơ sở dạy nghề đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện giới thiệu việc làm có địa chỉ tin cậy trong và ngoài tỉnh như Doanh nghiệp Khang Thông, Công ty xây dựng Sông Đà, Công ty cổ phần Cầu đường số 4, Công ty xây dựng Sông Hồng… với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/ tháng trở lên nhưng chỉ được một số ít lao động tham gia, còn lại phần lớn chưa có việc làm sau học nghề.
Trong quá trình tuyển sinh cũng gặp trở ngại, người lao động hăng hái đăng ký tham gia nhưng khi mở lớp lại không đi học, hoặc có đi nhưng lại đi không chuyên cần, không áp dụng kiến thức được học vào thực tế. Mặt khác, công tác thông tin tuyên truyền về dạy nghề chưa kịp thời, rộng khắp.
Ông Lò Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu chia sẻ: “Lao động địa phương nhiều nhưng chưa có kỹ thuật. Thông qua các lớp đào tạo có chuyển biến hơn, chất lượng năng suất cây trồng, vật nuôi được cải thiện, nhưng mới chỉ dừng lại ở các nghề nông nghiệp, còn các nghề phi nông nghiệp chưa được LĐNT phát triển bởi một phần do thiếu vốn, một phần do chưa hiểu tính được lợi nhuận nên còn băn khoăn khi thực hiện”.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, huyện Trạm Tấu đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 3.250 lao động. Trong đó, dạy nghề thường xuyên 2.135 lao động, dạy nghề xuất khẩu lao động là 320 lao động, còn lại là trung cấp, cao đẳng và đại học. Tuy nhiên, để hoạt động đào tạo nghề đạt được hiệu quả thì ngoài thực hiện tốt công tác tuyên truyền, khơi dậy khát vọng thoát nghèo của lực lượng lao động, đi đôi đào tạo nghề với tạo điều kiện giải quyết nguồn vốn vay để lao động có điều kiện phát triển, thì các ngành chức năng của Trạm Tấu vẫn cần phải có những giải pháp thiết thực hơn nữa.
Phương Thùy
Các tin khác
Năm nay, Thái Lan cần rất nhiều lao động trong lĩnh vực xây dựng do đang giải quyết hậu quả của đợt lũ lụt lịch sử xảy ra hồi cuối năm 2011.
YBĐT - Để thực hiện thành công Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các hội đoàn thể với tinh thần quyết liệt, sát thực tế, trong đó đặc biệt quan tâm tuyên truyền, nâng cao ý thức học nghề cho LĐNT.
YBĐT - Hiện nay, một số tỉnh trong khu vực có xuất hiện bệnh trên cá rô phi do vi khuẩn Streptococcus sp, Acinetobacter sp và Aeromonas sp làm cá chết hàng loạt, trong đó có tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Thực hiện đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tổ chức đào tạo và phối hợp đào tạo nghề cho 216 lao động.