Hàn Quốc sẽ mở cửa thị trường nếu 40% LĐ phi pháp về nước
- Cập nhật: Thứ bảy, 1/12/2012 | 3:54:00 PM
Hàn Quốc sẽ xem xét ký gia hạn Bản ghi nhớ nếu tối thiểu 40% số lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng về nước.
12.000 lao động Việt Nam chưa biết khi nào sẽ được sang Hàn Quốc làm việc.
|
Phát biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước tại Thanh Hoá ngày 30/11, ông Choi Byung – Gie, Tổng Giám đốc Trung tâm EPS Việt Nam, Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc cho biết: Các cơ quan chức năng của Hàn Quốc sẽ đề nghị với Chính phủ nước này ký gia hạn Bản ghi nhớ, cho phép Hàn Quốc tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc, nếu Việt Nam kêu gọi được tối thiểu 40% số lao động đã hết hạn hợp đồng đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước.
Theo ông Choi, phía Hàn Quốc luôn sẵn sàng ký gia hạn Bản ghi nhớ. Tuy nhiên, để giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cứ trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong một thời gian ngắn là rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan đoàn thể, chính quyền của các địa phương, cùng với chế tài của các cơ quan chức năng của Việt Nam. “Biện pháp tốt nhất là thành lập các đội tư vấn thông qua gia đình, người thân thuyết phục lao động về nước” – ông Choi nói.
Từ cuối năm 2010, khi những người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (Luật Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài - được Quốc hội Hàn Quốc thông qua ngày 17/8/2003) bắt đầu hết hạn hợp đồng lao động, một số lượng lớn lao động Việt Nam đã không về nước mà ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Do đó, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã đề nghị ta chưa ký gia hạn Bản ghi nhớ đã hết hạn vào ngày 29/8 để tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ nói trên.
Ông Choi cho biết, từ năm 2004 đến nay, đã có 70.000 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc và hiện nay con số này là khoảng 62.000, trong đó có 48.000 lao động hợp pháp, còn lại là cư trú và lao động bất hợp pháp. Việt Nam là đứng đầu trong 15 quốc gia có lao động làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 25% số lao động nước ngoài tại nước này. Tỷ lệ lao động Việt Nam không về nước khi hết hạn hợp đồng là 50%, cao nhất so với các quốc gia khác. Hiện có 12.000 hồ sơ lao động Việt Nam trên mạng chờ phía Hàn Quốc xem xét đã bị đình lại.
Ông Đào Quang Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB-XH cho biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện các giải pháp quyết liệt để giảm tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước.
Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước sẽ chỉ đạo và phối hợp với các Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước. Sau đó, các địa phương sẽ triển khai các hình thức vận động các gia đình thuyết phục người thân trở về.
Tại hội nghị điểm triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hoá cho biết, năm 2012, Thanh Hoá có 400 lao động hết hạn hợp đồng phải về nước, trong khi đó tỉnh này có 1.814 lao động có hồ sơ còn hiệu lực. Sở đã giao chỉ tiêu cho các huyện kêu gọi 60% số lao động hiện đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước. Đây là một tiêu chí thi đua giao cho các huyện trong tỉnh.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Yên Bình đang đẩy nhanh tiến độ đào tạo nghề theo nhu cầu cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Ngày 27/11, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Nâng cao hiệu quả hợp tác công-tư trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm, với sự tham gia của đại diện một số cơ quan.
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp.
Đoàn Việt Nam đã đoạt giải Nhì toàn đoàn với thành tích 14 huy chương (5 HCV, 4 HCB và 5 HCĐ).