Kỷ niệm 57 năm Ngày Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu (5/8/1964-5/8/2021):

Âm vang bản hùng ca bất diệt

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/8/2021 | 9:10:01 AM

Những ngày này cách đây 57 năm, vịnh Bắc Bộ dậy sóng trước sự xâm phạm thô bạo của quân đội Hoa Kỳ. “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” đã đi vào lịch sử chiến tranh thế giới như một sự khơi mào cho cuộc chiến toàn diện của Mỹ tại Việt Nam, nhưng cũng chính là tựa đề bản tráng ca oai hùng của Hải Phòng nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung...

Khu trục hạm Maddox của Mỹ- “thủ phạm” gây ra sự kiện vịnh Bắc Bộ (ảnh tư liệu)
Khu trục hạm Maddox của Mỹ- “thủ phạm” gây ra sự kiện vịnh Bắc Bộ (ảnh tư liệu)

Vở kịch tàn khốc

Vào đầu những năm 1960, chiến lược "Chiến tranh đặc biệt” mà nước Mỹ áp dụng ở miền Nam Việt Nam bị phá sản. Người Mỹ quyết định chủ trương chiến lược mới, gây sức ép để đưa quân đội tham chiến trực tiếp.

Tổng thống Mỹ và Hội đồng an ninh quốc gia đã họp và quyết định chủ trương chiến lược mới: "Gây sức ép tối đa và liên tục bằng cách đưa quân đội vào để Mỹ hoá cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam; khẩn trương chuẩn bị đưa chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân ra miền Bắc Việt Nam”.

Việc tấn công miền Bắc Việt Nam và đường Trường Sơn còn để ngăn chặn nguồn tiếp tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho nhân dân miền Nam. Chủ trương của Mỹ là đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, nhằm triệt tiêu đường tiếp vận từ hậu phương lớn của chiến trường miền Nam.

Để thực hiện kế hoạch đó, Chính quyền Johnson phải ngụy tạo một cái cớ để dọn đường dư luận và tìm kiếm sự đồng thuận của Quốc hội Hoa Kỳ.

Rạng sáng 31-7-1964, Mỹ tổ chức cho các tàu hải quân Ngụy bắn phá các đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An). Sáng 1-8-1964, khu trục  hạm Maddox của Mỹ tiến vào khu vực Đèo Ngang, Hòn Ngư rồi vòng lên phía Bắc để khiêu khích quân ta. Ngày 2-8-1964, trận thử lửa đầu tiên giữa lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam non trẻ với hải quân Mỹ đã xảy ra trong vùng biển Việt Nam.

Tàu Maddox với hỏa lực pháo binh và không quân oanh tạc vào đội hình của ta, các chiến sỹ hải quân tiểu đoàn 135 anh hùng, giữ vững kỷ luật, kiên cường đánh trả, bắn rơi 1 máy bay địch và bắn bị thương 1 chiếc khác. Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam cũng chính là "Sự kiện vịnh Bắc Bộ” lần thứ nhất theo cách gọi của Mỹ và đồng minh.

Sau trận đụng độ lịch sử này, Mỹ mở ngay cuộc chiến tuyên truyền nhằm trấn án dư luận trong nước và cố gắng hiện thực hóa cuộc chiến. Kiếm cớ "tàu ngư lôi” Việt Nam tấn công hải quân Mỹ, ngày 5-8-1964 Mỹ mở chiến dịch "Mũi tên xuyên”, chính thức sử dụng hai biên đội tàu sân bay gồm hơn 40 máy bay phản lực hiện đại, cả tiêm kích, cường kích mở cuộc tiến công, đánh phá vào hầu hết các căn cứ ta trên suốt dải ven biển miền Bắc từ cảng Gianh, mũi Ròn (Quảng Bình), kho dầu Cửa Hội, Vinh - Bến Thủy (Nghệ An), căn cứ hải quân Lạch Trường (Thanh Hoá) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh)…

Với tinh thần cảnh giác cao độ, quân và dân miền Bắc đã kịp thời tổ chức đánh trả bằng lưới lửa phòng không rộng khắp, bắn rơi 8 máy bay và bắn bị thương 1 chiếc khác của Mỹ, Trung uý phi công Anvaret đã trở thành tù binh phi công Mỹ đầu tiên bị bắt ở miền Bắc Việt Nam.

Chiến dịch "Mũi tên xuyên” là cuộc tiến công đường không quy mô lớn đầu tiên của quân đội Mỹ, đánh dấu bước leo thang mới trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 7-8-1964, Quốc hội Mỹ thông qua cái gọi là "Nghị quyết vịnh Bắc Bộ”, nhằm biện minh cho một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới, đặc biệt là những đợt phong tỏa, rải thảm hỏa lực bằng hải quân, không quân ở Hà Nội, Hải Phòng…



Hải quân nhân dân Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Hải Phòng trong cuộc chiến "phong tỏa”

Theo các tài liệu lịch sử, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, cùng với việc mở rộng chiến tranh tại miền Nam, quân Mỹ cho rải thủy lôi ở các cửa sông, bến cảng phía Bắc.

Ngày 26-2-1967, những quả thủy lôi đầu tiên được Mỹ thả xuống Hải Phòng, gồm nhiều loại hỗn hợp: thủy lôi từ trường, thủy lôi âm thanh, thủy lôi chạm nổ, thủy lôi áp suất… nhằm ngăn chặn việc chi viện cho chiến trường miền Nam và sự giúp đỡ của các nước anh em đối với Việt Nam.

Từ tháng 6-1967, Mỹ mở chiến dịch kết hợp đánh phá phong tỏa cảng Hải Phòng bằng máy bay, dùng bom từ trường thay thế thủy lôi trên các luồng sông, cửa biển, bến phà... Đồng thời dùng máy bay B52 và máy bay A6A ngày đêm ném bom và thả ngư lôi phong tỏa cửa sông, cảng biển ở nhiều tỉnh phía Bắc. Cũng theo các tài liệu lịch sử, đợt phong tỏa lần thứ nhất chỉ trong hai năm 1967-1968, Mỹ đã dùng tới gần 1.500 quả bom từ trường và thủy lôi; đợt phong tỏa thứ hai từ tháng 5-1972 Mỹ dùng tới 2.877 quả bom từ trường và thủy lôi các loại tại khu vực Hải Phòng. Người Mỹ tuyên bố, "làm tê liệt cảng Hải Phòng cũng để làm tiêu hao và mòn mỏi ý chí của dân chúng bằng cách phơi bày một khu vực rộng lớn của Bắc Việt Nam vào cảnh thương vong và tàn phá…”.

Đỉnh điểm của lời tuyên bố trên là đợt không chiến tàn bạo trong chiến dịch Linebacker II vào tháng 12-1972 do không quân Mỹ thực hiện, dùng máy bay B52 tiến hành rải thảm bom hủy diệt. Trong chiến dịch Linebacker II, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận,  xuất kích hơn 600 lượt chiếc B52 và hàng nghìn lượt các loại máy bay hiện đại khác, liên tục trong 12 ngày đêm. Nhưng quân đội Mỹ đã không khuất phục nổi ý chí quật cường của quân và dân Việt Nam, 12 ngày đêm chống trả không quân Mỹ đã đi vào lịch sử oai hùng của dân tộc với tên gọi "Điện Biên Phủ trên không”.

Trở lại với các đợt phong tỏa Hải Phòng, người Mỹ đã vấp phải tinh thần quả cảm vô song và đầy sáng tạo của quân dân ta. Với sự chủ trì của Cục Vận tải đường biển, một tổ nghiên cứu giải pháp phá bom từ trường ngay lập tức được thực hiện. Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, tổ đã hoàn thành thiết bị tạo ra từ trường mạnh để gây nổ những quả bom từ trường, thành công vang dội ngay từ lần thử nghiệm đầu tiên. Trong suốt giai đoạn phong tỏa của Mỹ, hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường Mỹ đã bị phá hủy, kịp thời thông tuyến hàng hải đặc biệt quan trọng, chưa bao giờ để cảng Hải Phòng bị phong tỏa quá một tháng.

9 năm chống phong tỏa, các kỹ sư, công nhân đường biển Hải Phòng đã phá hủy gần 1.430 thủy lôi và bom từ trường, giải tỏa trên 80km luồng vận tải không còn bom mìn, rà quét trên 24 km2 bến bãi, đầu mối giao thông đưa vào khai thác. Góp phần đảm bảo an toàn cho tàu vận chuyển hàng hóa, lương thực cho miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, cùng cả nước ca khúc khải hoàn đại thắng mùa Xuân năm 1975.
(Theo ANHP)

Các tin khác
Mỹ cáo buộc Việt Nam đã tấn công tàu khu trục Turner Joy và Maddox

Cách đây 57 năm, nhằm tạo cớ leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam, Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã dựng lên màn kịch "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" với những lập luận mập mờ và dối trá rằng: Đêm 4 tháng 8 năm 1964, các tàu phóng lôi của Hải quân Bắc Việt Nam đã vô cớ tấn công tàu khu trục của Mỹ trên vùng biển quốc tế. Song Mỹ đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.

Hải quân Việt Nam duy trì đối thoại trực tuyến với Hải quân các nước/ Sơ kết phong trào Thi đua Quyết thắng và công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm 2021/ Chung tay đẩy lùi làn sóng dịch COVID lần thứ tư/ Lữ đoàn 147 hiệp đồng huấn luyện đổ bộ đường không/ Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân - 10 năm nhìn lại/ Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở Lữ đoàn 172... là những nội dung chính của chương trình Truyền hình Hải quân tháng 7.

Quân ủy Trung ương sơ kết trực tuyến 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05/ Tư lệnh Hải quân kiểm tra các đơn vị phía khu vực Hải Phòng/ Các đơn vị Hải quân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống COVID-19/ Cấp cứu thuyền viên, ngư dân gặp nạn trên biển/ Hội thi báo cáo viên Học viện Hải quân/ Ngăn chặn nhập cảnh trái phép trên vùng biển Tây Nam… là những nội dung chính trong chương trình Truyền hình Hải quân.

Có một Trường Sa trong trái tim người Việt. Từ ý nghĩa đó, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, những người làm việc tại Báo Yên Bái đã chung sức, góp xây nên một cột cờ Trường Sa giữa lòng Nà Hẩu, huyện Văn Yên. Đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa khơi dậy tình yêu quê hương, biển đảo quê hương của mọi người con đất Việt. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu phóng sự phát trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam có tên "Cột mốc chủ quyền Trường Sa trên đỉnh Nà Hẩu, Yên Bái"!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục