Công bố Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia

  • Cập nhật: Chủ nhật, 15/8/2021 | 2:22:17 PM

Triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển; điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…là một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra tại Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà vừa ký Công văn số 4944/BTNMT-TCBHĐVN về việc Công bố Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Đây sẽ là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực đối với công tác hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách về công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo mà Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đến các cơ quan, tổ chức liên quan để nghiên cứu và tham khảo.

Báo cáo gồm 6 chương với các nội dung chính: Tổng quan về biển và hải đảo Việt Nam; Áp lực của phát triển kinh tế - xã hội đối với môi trường biển và hải đảo; Hiện trạng môi trường biển và hải đảo; Tác động ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Quản lý môi trường biển, liên quan đến quản lý nhà nước về biển và hải đảo; Các cơ hội, thách thức và giải pháp bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý và kiểm soát môi trường biển đã có nhiều nỗ lực với hàng loạt công cụ pháp lý được ban hành, đây là giai đoạn hình thành, kiện toàn hệ thống quản lý tổng hợp biển từ trung ương đến địa phương. Chất lượng môi trường biển được duy trì khá tốt, tuy nhiên tại một số khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực cửa sông, cảng biển, môi trường nước biển còn bị ô nhiễm cục bộ và mang tính thời điểm. Bên cạnh đó, một số sự cố môi trường do xả thải chất thải công nghiệp, sự cố tràn dầu trên biển, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.

Đáng chú ý, Báo cáo hiện trạng môi trường biển chỉ ra rằng, phần lớn các chất thải từ đất liền tác động gián tiếp đến môi trường nước biển và hải đảo thông qua các cửa sông ven biển, mức độ gia tăng tại các cửa sông chảy qua hoặc gần các thành phố biển.

Kết quả thống kê cho thấy, có 74% lượng chất thải rắn của các địa phương có biển được thu gom (năm 2019); lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 122-163 triệu m3/ngày; Có đến 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước tập trung khu vực ven biển, kéo theo đó là sự phát triển các dịch vụ du lịch biển, hệ quả không chỉ gây áp lực lên hạ tầng đô thị (hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống xử lý chất thải) mà còn tác động đến không gian của các đô thị ven biển. Tác động rõ nhất có thể nhận thấy là sự thay đổi cảnh quan ven biển, điển hình như các dự án lấn biển làm khu nghỉ dưỡng tại các khu ven biển thời gian qua.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển 2016 - 2020 cũng xác định rõ các nguồn thải trên biển. Theo đó, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng thủy hải sản và hoạt động từ du lịch biển là nguồn thải có mức độ tác động lớn nhất và là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại một số vịnh, đầm phá ven biển Việt Nam. Bên cạnh đó, sự gia tăng chất thải nhựa đại dương trong những năm gần đây là vấn đề lớn, mang tính toàn cầu và cũng đang gây áp lực không nhỏ trong công tác quản lý chất thải trên biển.

Tuy nhiên, theo kết quả quan trắc môi trường nước biển ven bờ mà Tổng cục Môi trường triển khai thực hiện trên phạm vi biển ven bờ của 15 tỉnh thành phố ven biển cùng với số liệu quan trắc xa bờ của Trung tâm Trạm Quan trắc và phân tích môi trường biển thuộc Quân chủng Hải quân thực hiện (356 điểm);  Trung tâm Quan trắc môi trường, Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện (20 điểm) thực hiện giai đoạn 2016-2019 cho thấy chất lượng nước biển ven bờ vẫn còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10- MT:2015/BTNMT.

Kết quả tính toán chỉ số tai biến môi trường (RQ) giai đoạn 2015-2019 cho thấy, phần lớn các điểm thực hiện quan trắc có giá trị RQ đạt ở mức tốt (RQ <1). Tuy nhiên, tại một số thời điểm ở một vài vị trí có chỉ số RQ >1,5 nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao song giá trị trên chỉ mang tính thời điểm. Mức độ ô nhiễm gia tăng vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) do sự gia tăng giá trị các hợp chất hữu cơ, hợp chất chứa nitơ và chất rắn lơ lửng từ đất liền ra biển và sự trôi đạt chất ô nhiễm từ ngoài khơi vào dải ven bờ. Bên cạnh đó, chất lượng môi trường nước biển chịu tác động mạnh của hoạt động phát triển KT-XH khu vực ven bờ, đặc biệt hoạt động phát triển cảng biển; hoạt động nuôi trồng thủy hải sản trên biển, hoạt động phát triển du lịch biển.

Chất lượng môi trường nước biển xa bờ tương đối ổn định và ít biến động qua các năm, giá trị hàm lượng trung bình của các thông số quan trắc đều đạt tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT.

Ngoài ra báo cáo hiện trạng môi trường biển Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 còn đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học biển, công tác quản lý tổng hợp, thống nhất TNMT biển hải đảo và  hoạt động hợp tác quốc tế trong việc điều tra cơ bản TNMT biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển, nâng cao hoạt động bảo vệ môi trường biển Việt Nam…

Trên cơ sở phân tích trên, Báo cáo cũng đưa ra các giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo gồm: Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và thể chế về lĩnh vực biển và hải đảo giai đoạn 2020-2025 theo Nghị Quyết số 36-NQ/TW; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế; triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế quản lý, khai thác dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 là một trong những nguồn thông tin, dữ liệu hữu ích hỗ trợ tích cực, kịp thời cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam trong tình hình mới, đâm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị Quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

(Theo Dangcongsan.vn)

Các tin khác
Tàu gỗ gắn máy Phương Đông 1 (do Xưởng đóng tàu I Hải Phòng đóng) chở vũ khí vào Cà Mau thành công (T10/1962)

Phong trào Đồng khởi năm 1960 thắng lợi, cách mạng miền Nam chuyển biến mạnh mẽ. Cục diện chiến trường có nhiều thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta. Chính quyền Ngô Đình Diệm đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Thượng tá Phạm Văn Kết thăm hỏi các gia đình.

Sáng 11/8, tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Lữ đoàn 682, Vùng 4 tổ chức thăm, động viên và tặng quà các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại chung cư của đơn vị.

Ảnh minh họa

Nhiều tỉnh đã phê duyệt danh mục khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển trên địa bàn tỉnh… Đây là nội dung được quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Tập thể cán bộ, chiến sĩ Ban Tham mưu Đoàn 759 thời kỳ đầu thành lập.

Cùng với đường vận tải chiến lược xuyên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển là “huyết mạch” hết sức trọng yếu chi viện cho chiến trường để quân và dân ta đánh thắng kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hai con đường chiến lược trên bộ và trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là kỳ công chiến lược của dân tộc, là sáng tạo tuyệt vời của Đảng trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục