Tiết kiệm 40% chi phí cho ngư dân
Cuối chiều, chúng tôi dạo bước trên con đường thảm bê tông dẫn ra Trung tâm dịch vụ Âu tàu Trường Sa. Âu tàu khá rộng. Từ đây có thể ngắm nhìn cảnh hoàng hôn ở Trường Sa. Ánh mặt trời dát vàng cả một vùng biển rộng xa tít tắp, đẹp mê mẩn. Dưới âu, tàu cá ra vào tấp nập. Phía trong, hàng trăm tàu cá khác đang neo đậu. Tàu chờ tiếp nhiên liệu, tàu xếp hàng gia cố, sửa chữa nối đuôi nhau. Tiếng ngư dân chào hỏi, gọi nhau, cười đùa vui vẻ nhộn nhịp không kém một cảng cá trong đất liền. Càng cuối chiều, gió trên biển thổi vào đảo mát lạnh. Một nhóm ngư dân trải chiếu trên nền bê tông của âu tàu ngồi uống trà, hóng mát sau quãng đường dài đánh bắt vất vả. Nhóm ngư dân này đều là anh em trong một gia đình ở Ninh Thuận. Họ vào cảng lấy nước ngọt và tiếp thêm nhiên liệu cho tàu tiếp tục ra khơi.
Sau cái bắt tay chào hỏi, anh Lê Văn Chỉnh (SN 1991), thuyền trưởng tàu Ninh Thuận 90722 cho hay, cả gia đình có 3 tàu lớn thường xuyên đánh bắt cá ở ngư trường Trường Sa. Lần này, gia đình anh ra Trường Sa đánh bắt được gần một tháng, hôm qua, cập bến âu tàu để tiếp nhiên liệu, lương thực và nước ngọt. "Trước đây, mỗi chuyến tàu ra khơi đánh bắt cá chưa đầy một tháng vì phải chạy vô đất liền lấy đồ, tiếp nhiên liệu và thực phẩm. Có những chuyến gặp bão gió lại phải đánh tàu về bờ trú tránh, vừa tốn nhiên liệu vừa mất thời gian đi lại, tốn kém chi phí. Giờ có âu tàu ở đây thì yên tâm đánh bắt rồi, chi phí cũng giảm 30 - 40% đấy”.
"Đảo, biển của ta, có chuyện gì khó cứ điện mấy anh, các anh hỗ trợ hết. Dầu mỡ, thực phẩm ở đây đủ cả, lại có xưởng sửa chữa hiện đại, giá thành như đất liền thôi. Nước ngọt anh em ở đây cho miễn phí, lại không lấy chi phí sử dụng dịch vụ cầu cảng, đậu đỗ, mắc mớ gì không vào. Anh em trên đảo rất nhiệt tình giúp đỡ bà con, đặc biệt là những lúc tàu bị hỏng máy hay có người đau ốm. Bây giờ, đi biển vài ba tháng cũng chẳng phải lo gì. Về đảo mà như về nhà, anh em tình thương mến thương vậy đó!”.
Anh Lê Văn Chỉnh (SN 1991), thuyền trưởng tàu Ninh Thuận 90722 |
Chỉ tay về những dãy nhà kiên cố phía trong âu tàu, anh Chỉnh bảo đó là làng chài. Những ngày thời tiết xấu, có bão gió phải trú tránh dài ngày ngư dân được bố trí ở trên làng chài. Ở đó có đầy đủ cơ sở vật chất, giường ngủ, bếp nấu ăn và khu tập thể dục, thể thao. Ngay sát âu tàu có bệnh xá. Ngư dân ốm đau, gặp nạn vào đó đều được khám, cấp phát thuốc miễn phí.
Hỏi về người quản lý âu tàu Trường Sa, anh Chỉnh bảo rằng, cứ tìm người to cao lực lưỡng nhất đảo, tên là Tùng, ai ở đây cũng biết. Theo hướng dẫn, chúng tôi rời âu tàu Trường Sa, tiến về phía làng chài. Đúng như lời giới thiệu, Đại úy Vũ Hoàng Tùng, Chỉ huy trưởng Trung tâm dịch vụ Âu tàu Trường Sa có thân hình vạm vỡ cao to như một lực sỹ nhưng giọng nói lại nhẹ nhàng, trầm ấm đầy tình cảm.
Nối dài những chuyến vươn khơi
Tuyên truyền cho ngư dân tại âu tàu Trường Sa
Đại úy Tùng cho hay, âu tàu Trường Sa được bàn giao và đưa vào khai thác từ tháng 11/2019. Trong 4 tháng đầu năm 2023, âu tàu đã đón 400 lượt tàu cá vào neo đậu và sử dụng các dịch vụ như cấp nước ngọt và 20 tàu cá được sửa chữa để tiếp tục ra ngư trường đánh bắt cá. Âu tàu ở Trường Sa có đầy đủ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và nước ngọt để cung ứng cho bà con ngư dân. Hơn nữa, đảo Trường Sa lớn và rộng, đương nhiên có những sản phẩm tăng gia, chăn nuôi tại chỗ ngoài góp phần tăng gia cán bộ nhân viên, thực phẩm còn được hỗ trợ cho ngư dân khi gặp tai nạn lao động vào cấp cứu, chữa trị dài ngày.
Trong các chuyến đánh bắt cá, nếu có người gặp tai nạn, âu tàu sắp xếp phương tiện, thông báo cho quân y và lực lượng trên đảo kịp thời đưa người đi cứu chữa. "Cách đây mấy hôm, một ngư dân ở Ninh Thuận gặp tai nạn lao động. Người này bị đa chấn thương, đứt động mạch, nếu không kịp thời sẽ mất cánh tay. Rất may, người đi cùng đã gọi hỗ trợ. Chúng tôi liên lạc hướng dẫn sắp xếp phương tiện cho người bị nạn về đảo cứu chữa”, Đại úy Tùng kể.
Trong mấy năm công tác tại đây, anh thấu hiểu những khó khăn của ngư dân ta khi đánh bắt cá ở Trường Sa. Máy móc trên tàu đều mua của nước ngoài hoặc là máy đời cũ, thiết bị chắp vá không được bán rộng rãi trên thị trường. Chính vì thế, khi bị hỏng hóc đưa vào đây không thể thay thế hoặc thiếu vật tư. Nhưng rất may, đội sửa chữa của âu tàu có nhiều người là máy trưởng, có kinh nghiệm về hệ thống điện, động cơ nên nhiều ca khó đã được xử lý để tàu tiếp tục ra khơi.
Ở phía Bắc Quần đảo Trường Sa, trên xã đảo Song Tử Tây cũng có một âu tàu lớn, hàng năm đón hàng trăm lượt tàu cá vào tránh trú, tiếp nhiên liệu. Những chiếc xuồng máy đón chúng tôi từ tàu Kiểm ngư 490 cập đảo qua âu tàu này. Đại úy Nguyễn Văn Kiên, Đội trưởng Đội Dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu đảo Song Tử Tây cho hay, âu tàu hoàn thành từ tháng 12/2008 với sức chứa khoảng 100 tàu cá công suất 90CV. "Âu tàu là bến đậu an toàn, cung cấp nước ngọt, xăng dầu cho ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển Trường Sa. Khu làng chài và các công trình phụ trợ đảm bảo cho hàng trăm ngư dân nghỉ ngơi, tránh trú khi biển động, bão gió. Cũng giống âu tàu ở Trường Sa, ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển khi gặp sự cố, vào đây tránh trú đều được hỗ trợ, đảm bảo ăn uống, sinh hoạt. Tàu được cung cấp nước ngọt, điện và các nhu yếu phẩm để tiếp tục đánh bắt”, Đại úy Kiên cho biết.
Theo Đại úy Kiên, do cơ sở vật chất tại âu tàu được bàn giao vận hành từ lâu, trong khi điều kiện thời tiết trên đảo khắc nghiệt, gió mang nhiều hơi mặn từ biển vào, dẫn tới hệ thống ắc quy tích điện của âu tàu bị hư hỏng nhiều, khó khắc phục. Bù lại hệ thống trữ nước ngọt tại âu tàu lớn nên ngư dân vào âu tàu sẽ được cung cấp miễn phí và khi tàu gặp sự cố sẽ miễn phí sửa chữa hỏng hóc liên quan đến máy móc. Nhiên liệu, thực phẩm sẽ được cung ứng cho ngư dân đúng giá niêm yết của Nhà nước. Ngoài ra, thuyền viên trên tàu gặp vấn đề về sức khỏe sẽ được đưa lên bệnh xá trên đảo để thăm khám, điều trị và phát thuốc miễn phí.
Đại úy Kiên kể về lần gần đây vào tháng 4/2022, nhận được tín hiệu cấp cứu của 6 thuyền viên trên tàu Bình Định có động cơ bị hỏng, tàu lênh đênh trên biển nhiều ngày. Khi nhận được tín hiệu, chúng tôi tổ chức tìm thấy tàu khi nước uống và thực phẩm trên tàu đã cạn kiệt, thuyền viên kiệt sức. Chúng tôi tổ chức hỗ trợ lai dắt tàu về đất liền; thuyền viên được chăm sóc chu đáo, sức khỏe nhanh chóng ổn định. Những ngày cùng ngư dân cùng vượt qua khó khăn đó là chuỗi ngày thực sự đáng nhớ”.
(còn nữa)
(Theo TPO)