Nhiệm vụ và giải pháp về đẩy mạnh tuyên truyền biển đảo trong tình hình mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/12/2023 | 9:19:31 AM

Thời gian qua, công tác tuyên truyền về biển, đảo đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào nâng cao nhận thức và tình yêu biển đảo của nhân dân, động viên các lực lượng đang thực thi quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện
Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân vừa có cuộc phỏng vấn với phóng viên báo chí về kết quả công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2023 và những nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

- Thưa Chuẩn Đô đốc, xin đồng chí có thể khái quát một vài nét tiêu biểu đối với công tác tuyên truyền biển, đảo của Quân chủng trong năm 2023?

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện: Năm 2023, công tác tuyên truyền biển, đảo (TTBĐ) của Quân chủng Hải quân còn nhiều khó khăn chi phối. Song, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chúng tôi đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đề cao trách nhiệm, tích cực, chủ động tổ chức phối hợp, triển khai hiệu quả công tác TTBĐ gắn với thực thi quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nổi bật là, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, thường xuyên cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì với các hoạt động xâm phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, góp phần giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, Quân chủng đã thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình trên biển, làm tốt công tác dự báo, đánh giá và kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, đối sách và trực tiếp xử trí hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ.

Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, tổ chức tuyên truyền và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động xâm phạm, khảo sát, thăm dò trái phép của nước ngoài trên các vùng biển của ta; hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng thực thi pháp luật trên biển, làm tốt công tác kiểm soát, truyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU. Qua đó đã góp phần giảm thiểu tình trạng tàu cá của ta khai thác hải sản trái phép trên các vùng biển nước ngoài, nhất là vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực.

Quân chủng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh giáo dục quốc phòng thông qua các hoạt động ngoại khóa gắn với TTBĐ; làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ, bảo vệ, giúp đỡ ngư dân trên các vùng biển, đảo, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển (đã phối hợp tổ chức gần 2.000 buổi hoạt động ngoại khóa; tổ chức 170 đợt tìm kiếm cứu nạn, kịp thời cứu nạn 14 tàu cá và 190 ngư dân; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho ngư dân tổng giá trị hàng tỷ đồng; nhận đỡ đầu 159 cháu là con ngư dân, với mức hỗ trợ tối thiểu là 500.000đ/cháu/tháng), các hoạt động trên được dư luận đánh giá rất cao và tạo hiệu ứng xã hội tốt.

Công tác tuyên truyền đối ngoại quốc phòng được Quân chủng triển khai sâu rộng, hiệu quả, thông qua nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương bảo đảm đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết, tăng cường lòng tin và nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội, Hải quân nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.

- Hiện nay Quân chủng Hải quân đã ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với 63 tỉnh, thành phố và 16 cơ quan, đơn vị. Đồng chí có thể cho biết hiệu quả chương trình phối hợp này trong năm 2023?

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện: Năm 2023, công tác phối hợp TTBĐ của Quân chủng Hải quân với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục được phát huy, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, vào sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cả nước.

Cụ thể, Quân chủng Hải quân tiếp tục triển khai rất hiệu quả công tác TTBĐ với 63 tỉnh, thành phố và 16 cơ quan Trung ương, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.

Trong năm, các đơn vị Hải quân đã phối hợp với Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy và các cơ quan Trung ương tổ chức 950 hội nghị tuyên truyền ở các cấp cho hơn 600.000 lượt cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và nhân dân. Qua đó, đã kịp thời cung cấp thông tin về tình hình thực tiễn trên biển cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, định hướng tư tưởng trước các sự kiện, tình hình phức tạp diễn ra trên biển.

Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã tổ chức đón hơn 4.400 đại biểu của các cơ quan Trung ương, địa phương và kiều bào đi thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DKI và các tuyến đảo ven bờ.

Đồng thời, đẩy mạnh TTBĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Trực tiếp phối hợp với hơn 225 cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước đón trên 1.200 lượt phóng viên/ biên tập viên đến thâm nhập thực tế, đưa trên 11.000 tin, bài (tăng hơn 2.000 tin bài so với năm 2022). 

Nhiều tin bài, chương trình, phóng sự về bộ đội Hải quân và kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được thông tin trên Đài Tiếng Nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Báo Quân đội nhân dân, Báo Điện tử Chính phủ và nhiều báo đài ở Trung ương, địa phương, mang dấu ấn đậm nét, sự lan tỏa tích cực, tạo ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong nhân dân cả nước. Ngoài ra, chúng tôi đã phối hợp tổ chức thành công nhiều cuộc thi, triển lãm, chương trình nghệ thuật về biển, đảo, như: Chương trình chính luận nghệ thuật "Mạnh giàu từ biển quê hương"; cuộc thi ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"; triển lãm ảnh "Hoàng Sa, Trường Sa - Biển, đảo thiêng liêng".

- Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác TTBĐ thời gian tới, Quân chủng Hải quân sẽ tập trung những nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa Chuẩn Đô đốc?

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện: Công tác TTBĐ chỉ có mở đầu, không có kết thúc. Vì vậy, để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về bảo vệ chủ quyền biển đảo; chủ động nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình trên biển để nâng cao khả năng phân tích, đánh giá, dự báo, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, giải pháp chiến lược; xử lý linh hoạt, đúng đối sách các tình huống phức tạp trên biển, không để bị động, bất ngờ; kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khi có tình huống phức tạp trên thực địa.

Chỉ đạo các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển kịp thời phát hiện, tuyên truyền đấu tranh kiên quyết với các lực lượng có hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của ta trên các vùng biển, đảo; tuyên truyền, vận động ngư dân không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Phát huy tốt các âu tàu, làng chài trên quần đảo Trường Sa và các lực lượng làm nhiệm vụ trên các tuyến đảo, nhà giàn để sẵn sàng giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình phối hợp TTBĐ đã ký kết với các địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng các hội nghị, hội thảo, triển lãm; tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm quần đảo Trường Sa, nhà giàn DKI và các tuyến đảo trên cả nước; kết hợp công tác tuyên truyền với tổ chức tốt các phong trào, cuộc vận động hướng về biển, đảo do Trung ương, địa phương và đơn vị phát động.

Phối hợp tuyên truyền về các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Quân đội và Quân chủng; tuyên truyền về những tấm gương, điển hình về ý chí, quyết tâm, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với quân, dân huyện đảo Trường Sa nhà giàn DKI và các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

- Trân trọng cảm ơn Chuẩn đô đốc!

(Theo Chinhphu.vn)

Các tin khác
Tàu của Lữ đoàn 172, Vùng 3 bắn ngư lôi.

Ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, là “cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân....”.

Trung tâm Y tế Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn có quy mô 100 giường bệnh, tổng mức đầu tư 287 tỷ đồng.

Ngày 3/5, Trung tâm Y tế Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) hoàn thành nghiệm thu, được bàn giao cho Ủy ban nhân dân huyện đưa vào sử dụng phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên đảo.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hòn Khoai thực hiện nghi thức chào cột mốc cơ sở A2 trên Hòn Đá Lẻ thuộc cụm đảo Hòn Khoai

Là đơn vị biên phòng duy nhất đóng trên đảo quân sự (không có dân cư sinh sống), trên vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc, thời gian qua, Đồn biên phòng Hòn Khoai (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) đã vượt qua khó khăn về thời tiết khí hậu, cơ sở vật chất... để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Nhà giàn DK1/17 (Phúc Tần) hiên ngang giữa sóng biển khơi. Ảnh tư liệu

Nhân dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, trong khuôn khổ Đoàn công tác số 11.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục