YBĐT - Hội Mẹ chiến sĩ được nhắc tới nhiều trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của đất nước với vô vàn những việc làm ý nghĩa thắm đượm tình quân dân của "đội quân tóc dài", góp phần không nhỏ cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
|
Nhưng giờ cái tên "Hội Mẹ chiến sĩ" ít người nhắc tới bởi chiến tranh đã lùi xa, có chăng là sự liên tưởng mỗi khi nghe lại bài hát "Tấm áo mẹ vá năm xưa" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Thế nhưng người dân ở xã Nam Cường, thành phố Yên Bái thì ngay cả bây giờ vẫn nhắc tới cái tên rất đỗi thân thương và đầy trìu mến này với tất cả sự kính trọng, bởi Hội Mẹ chiến sĩ ở Nam Cường vẫn đang hoạt động. Mấy chục năm nay, Hội là nơi hội tụ của các mẹ có con tham gia chiến đấu trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, người còn con, người mất con nhưng họ cùng chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống. Ở mỗi giai đoạn, Hội lại có những hoạt động khác nhau, phù hợp với tình hình chính trị và sự phát triển của địa phương, của đất nước.
Tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về tổ chức này thì được chị Đinh Thị Thu Hảo - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Cường giới thiệu: "Chúng tôi là thế hệ sau, được sinh ra trong hòa bình, với truyền thống lịch sử của Nam Cường, chúng tôi vẫn đang tiếp tục hỗ trợ duy trì Hội Mẹ chiến sỹ như một hành động "Đền ơn đáp nghĩa" đầy ý nghĩa.
Để hiểu rõ hơn về Hội Mẹ chiến sĩ thì phải gặp cụ Ngô Triệu Huy - người Bí thư đầu tiên của Chi bộ Nam Cường ngày trước". Cụ Huy, năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Cụ nhiệt tình trò chuyện: "Tôi nhớ hồi đó khoảng năm 1947 - 1948, có một chị tên là Nguyễn Kim Oanh của Hội Phụ nữ huyện Trấn Yên (lúc đó Nam Cường thuộc huyện Trấn Yên) xuống để khơi dậy thành lập tổ chức của những người mẹ, người vợ chiến sĩ.
Ban đầu là bà Lưu Thị Tỵ và bà Phạm Thị Dần đã đứng ra vận động những người mẹ, vợ chiến sĩ cùng tham gia ủng hộ gạo nuôi quân, đi vận động các cô gái trong làng, trong xã đan áo len cho bộ đội..., rất nhiều những việc làm của các bà các mẹ rất cảm động". Bà Phạm Thị Dần chính là mẹ của ông Huy nên ông còn nhớ rất rõ lúc đó hầu như nhà nào cũng nghèo lắm, đủ ăn là tốt rồi, còn ăn 1 bữa nhịn 2 bữa là bình thường. Nhưng bữa nào có gạo nấu cơm là mẹ ông cũng bốc vài ba nắm cho vào "Hũ gạo nuôi quân".
Ông Huy nhớ lại: "Phong trào "Hũ gạo nuôi quân" ở Nam Cường lúc đó rầm rộ lắm. Tất cả phụ nữ trong xã đều tham gia". Bà Dần cũng là người mẹ đầu tiên ở Nam Cường có con là liệt sỹ Ngô Văn Thiệu hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Dồn lại đau thương, bà Dần cùng các mẹ tiếp tục các hoạt động chăm sóc bệnh binh về làng, nuôi quân, vận động các cô gái trong làng đan áo tặng các anh bộ đội tạo thành phong trào "Áo ấm mùa đông" rộng khắp trong xã, lan sang cả những xã bên. Bên cạnh đó, các mẹ cũng kịp thời động viên mẹ có con hy sinh.
Ông Huy bồi hồi: "Kỳ lạ lắm nhé! Chỉ có những bà những mẹ trong Hội mới có thể động viên được những người mẹ có con hy sinh, gạt đi nỗi đau, đứng dậy, tiếp tục sống, tiếp tục lao động sản xuất, tham gia các phong trào ái quốc của địa phương". Đây chính là cơ sở cho hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc cũng là lúc đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hội Mẹ chiến sĩ Nam Cường lại hoạt động tích cực, mạnh mẽ và rộng khắp, có thời điểm hội viên lên tới vài trăm người. Tình quân dân càng thắm thiết bởi có các mẹ. Bên cạnh việc vận động lương thực nuôi quân từ tai chuối, quả mít cho quân tình nguyện Trung Quốc đến nấu cơm, chia phần cơm mang cho bộ đội địa phương, rồi lương thực gửi ra tiền tuyến, các mẹ còn đứng ra mai mối se duyên cho các anh thương binh về làng với các cô gái..., nhiều lắm những hoạt động thắm đượm tình quân dân.
Sau kháng chiến chống Mỹ, ở nhiều địa phương, hoạt động Hội Mẹ chiến sĩ dường như đã hết vai trò, tuy nhiên Nam Cường lại là địa điểm tập kết, chung chuyển các đơn vị nên Hội Mẹ chiến sĩ tiếp tục hoạt động nuôi quân. Rồi đến cuộc chiến tranh biên giới, Hội Mẹ chiến sĩ lại vào cuộc để tiếp tục vận động đưa con em đi tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Chưa một lúc nào Hội Mẹ chiến sĩ ở Nam Cường gián đoạn hoạt động, bởi với các mẹ, thời chiến có việc của thời chiến, thời bình có hoạt động của thời bình. Hiện nay, Hội mẹ chiến sĩ Nam Cường có 25 mẹ thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau, động viên nhau. Hàng tháng, không ai bảo ai các mẹ lại tổ chức quét dọn, nhổ cỏ cho các phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ của xã vào ngày rằm và mùng một Âm lịch. Hoạt động này hoàn toàn tự nguyện, tự giác.
Ông Đỗ Ngọc Lân - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Các mẹ tuổi cao, sức yếu mà vận động các mẹ không phải quét dọn nghĩa trang nhưng các mẹ không nghe, nên chúng tôi đã chỉ đạo Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên hàng tháng tổ chức cho hội viên, đoàn viên đến quét dọn trước để các mẹ thấy có người làm rồi thì sẽ yên tâm ra về".
Nói về Hội Mẹ chiến sĩ, người dân Nam Cường luôn gọi với hai từ đầy ý nghĩa "các mẹ". Trong mỗi lễ đón hài cốt liệt sĩ về địa phương, không ai nhắc nhở ai, thấy thông báo trên loa truyền thanh xã là các mẹ trong trang phục áo dài truyền thống đến từ sớm và tới khi các anh được yên nghỉ trên chính mảnh đất quê hương thì các mẹ mới trở về. Bà Phạm Thị Chi, hiện là Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ chia sẻ: "Làm vậy là để con biết rằng, con không chỉ có một người mẹ mà còn có rất nhiều mẹ. Các mẹ dang tay đón con trở về".
Cùng với đó, các mẹ còn thăm hỏi, động viên huấn luyện dân quân tự vệ; tặng quà, động viên tân binh lên đường nhập ngũ, nhắc nhở, động viên những gia đình quân nhân vững tin để các con yên tâm đi nhận nhiệm vụ.
Ông Đỗ Ngọc Lân - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Hội có vị trí rất quan trọng trên địa bàn xã, góp phần tích cực tăng cường trách nhiệm của người công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, giữ gìn truyền thống cách mạng. Hội có uy tín trong cộng đồng, đặc biệt đó là nét đẹp tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam".
Đã không còn những ngày tháng chiến tranh ác liệt, đã qua rồi những tháng ngày mẹ nuốt nước mắt vào trong tiễn con lên đường không hẹn ngày trở lại vì Tổ quốc thân yêu nhưng những ký ức đó mãi mãi in sâu trong tâm trí các mẹ và còn mãi trên những trang sử của dân tộc. Để giờ đây dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng các mẹ vẫn là nguồn động viên, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo về phẩm chất đạo đức cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam và hơn cả là tình yêu quê hương đất nước.
Thanh Ba