Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/9/2013 | 2:47:51 PM

YBĐT - Thời gian qua, nhà nông phải đối mặt với sâu bệnh trên lúa mùa. Đặc biệt, nhiều diện tích bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ cao lên đến 7.000 con/m2. Nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, sâu bệnh sẽ lan rộng, mật độ tăng cao gây cháy ổ, cháy chòm trên diện tích lúa trỗ, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lúa mà nhiều diện tích còn có nguy cơ mất trắng.

Nông dân thị xã Nghĩa Lộ tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi để thu hoạch lúa mùa sớm.
(Ảnh: Đức Hồng)
Nông dân thị xã Nghĩa Lộ tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi để thu hoạch lúa mùa sớm. (Ảnh: Đức Hồng)

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy 20.631ha lúa mùa, cơ cấu giống lúa lai chiếm 50% diện tích, chủ lực là các giống Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Nghi Hương 305, còn lại là lúa thuần chất lượng cao. Ngay sau khi gieo cấy hết diện tích, ngành nông nghiệp, các huyện, thị đã chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc, nhờ vậy cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Đến nay, trà 1 đang trong giai đoạn trỗ, ngậm sữa đỏ đuôi; trà 2 đang trong giai đoạn đòng - trỗ. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có khoảng 8.000ha lúa trỗ, diện tích này dự kiến sẽ cho thu hoạch trước ngày 25/9. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, tình hình sâu bệnh hại lúa mùa đang đến mức báo động. Đặc biệt, nhà nông phải đối mặt với tập đoàn rầy nâu, rầy lưng trắng, có thời điểm diện tích bị nhiễm lên đến 1.411ha, trong đó tập trung nhiều ở huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Yên.

Trước diễn biến sâu bệnh hại lúa, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã thường xuyên ra thông báo tình hình sâu bệnh hại lúa. Các huyện, thị cũng có công văn chỉ đạo các địa phương, nông dân tăng cường phòng trừ sâu, bệnh, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng.

Chi cục đã tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở cùng cán bộ khuyến nông và các huyện, thị triển khai biện pháp chỉ đạo phòng trừ có hiệu quả. Nhiều diện tích có mật độ rầy cao đã được phòng trừ 2 - 3 lần nên đã cơ bản khống chế được sâu bệnh, giảm thiểu thiệt hại diện tích lúa.

Theo thông báo của Chi cục đến nay, toàn tỉnh chỉ có 483ha bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng ở 7 huyện, thị trong tỉnh; mật độ phổ biến là 750 con/m2, cao 3.5000 con/m2. Cũng tại thời điểm này, bệnh khô vằn hoành hành ở nhiều địa phương với diện tích là 809ha. Ngoài ra còn có các bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít dài...

Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh và có biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời nên dịch bệnh trên lúa mùa được khống chế. Tuy nhiên, thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, mưa nắng bất thường sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng.

Nông dân không nên chủ quan, lơ là, cần tích cực thăm đồng, chủ động phát hiện kịp thời sâu bệnh hại lúa để có biện pháp phòng trừ hiệu quả vì đây là thời điểm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa. Nếu tỷ lệ sâu bệnh hại lúa tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa và có nguy cơ mất trắng.

Tại hội nghị triển khai sản xuất vụ đông 2013 mới đây, ông Phạm Văn Lái - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho hay: "Nhiệm vụ quan trọng từ nay đến cuối vụ là bảo vệ an toàn và chăm sóc tốt diện tích lúa đã gieo cấy, chú trọng phát hiện và phòng trừ sâu bệnh. Phòng trừ sâu bệnh thời gian này cần làm triệt để, dứt điểm, hạn chế tối đa khả năng lây lan".

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, trong thời gian tới, tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, cần đề phòng tập đoàn rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột, bệnh bạc lá, bệnh đen lép hạt...  Hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, nông dân không nên chủ quan, lơ là, cần tích cực thăm đồng, chủ động phát hiện kịp thời sâu bệnh hại lúa để có biện pháp phòng trừ hiệu quả; các địa phương cần nhanh chóng khoanh vùng diện tích nhiễm rầy, sâu cuốn lá cao, chuẩn bị đầy đủ thuốc bảo vệ thực vật cho việc phòng trừ sâu bệnh từ nay đến cuối vụ.

Văn Thông