Trung thu cho trẻ vùng cao

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/9/2013 | 8:37:34 AM

YBĐT - Còn một hôm nữa là tết Trung thu. Bánh nướng, bánh dẻo, trái cây hoa quả đã đầy các quầy hàng, đại lý. Đèn ông sao và các loại đồ chơi được bày bán, làm phố phường thêm rực rỡ. Song, không phải ở tất cả mọi nơi trong tỉnh đều có được không khí rộn rã, phấn chấn ấy, nhất là ở vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chờ mong đến tết Trung thu như là lẽ tất nhiên đối với trẻ thơ. Đất nước đổi mới, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rất nhiều. Tết trung thu của thiếu nhi vẫn đến hẹn lại tới và nhờ thế mà cũng tươm tất đầy đủ hơn. Cái gì cũng sẵn, cái gì cũng có, nhất là đối với trẻ em ở thành thị.

Không còn cảnh vót từng nan tre nhẵn bóng, nấu hồ để dán đèn ông sao, đèn kéo quân nữa mà nhà nào cũng đầy bánh, đầy bưởi, ít nơi phải bầy một mâm cỗ chung như trước, đồ chơi cũng toàn hàng điện tử mới lạ. Thậm chí, nhiều nơi còn tổ chức dưới ánh đèn điện sáng trưng át cả ánh trăng rằm. Thế nhưng ở những nơi ít ánh sáng của những ngọn đèn cao áp hay địa bàn điện lưới quốc gia chưa thể đến, những em nhỏ dân tộc đang rất cần có được sự quan tâm của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội.

Được biết, toàn tỉnh hiện có gần 115 ngàn thiếu niên nhi đồng, sinh hoạt ở trên 5.000 sao nhi đồng, 356 liên đội, trong đó 331 liên đội thuộc địa bàn dân cư. Dù đã có nhiều tiến bộ nhưng ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, ở các xã hay các thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình... cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều gian khó.

Trung thu đến, việc vận động các gia đình ở đây đóng góp để các cháu có một tối vui không thể thuận lợi như đô thị. Làm sao để thiếu niên nhi đồng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có được một tết Trung thu thực sự ý nghĩa là câu chuyện không phải nơi nào, địa phương nào cũng dễ dàng thực hiện.

 Cách thức tổ chức làm sao để khắc phục được những khó khăn do địa bàn cách trở là việc phải tính đến. Làm thế nào để trẻ hiểu được ý nghĩa của việc phá cỗ đón trăng, hiểu được sự tích  ông Trăng, chú Cuội, chị Hằng... là điều cần thiết, là cách để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Đây còn là dịp huy động các nguồn lực trong xã hội vào hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trẻ em bị tàn tật, có hoàn cảnh đặc biệt. Trước mắt, các cơ quan, đơn vị, những tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm hãy dành thời gian đến cơ sở, đến từng cụm dân cư để cùng địa phương, nhà trường tổ chức cho các em được đón một tết Trung thu lành mạnh, bổ ích, ý nghĩa và thân thiện.

Qua lễ hội trăng rằm để tuyền truyền giáo dục các em trên các mặt hoạt động nhưng cũng cần lắng nghe thiếu niên nhi đồng nói lên nguyện vọng của mình, góp phần nâng cao nhận thức của mọi người dân về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Làm sao để ở tất cả các thôn, bản khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em sẽ có một Trung thu với ánh trăng vằng vặc, đầy đủ và ấm áp hơn.              

M.Q