Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Paris

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/9/2013 | 1:27:06 PM

Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đúng vào lúc Việt Nam và Pháp sắp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao.

Cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp chào đón Thủ tướng và Phu nhân, cùng đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay.
Cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp chào đón Thủ tướng và Phu nhân, cùng đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay.

Rạng sáng 24/9 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Viêt Nam đã đến Thủ đô Paris, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp trong 3 ngày theo lời mời của Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault. 

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Pháp có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và đầu tư, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an, Văn hóa thể thao và du lịch, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Ra sân bay quốc tế  Orly ở Thủ đô Pari đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam có các quan chức Bộ Ngoại giao Pháp, tỉnh trưởng vùng Val de Marne, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Pháp cùng đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp và du học sinh Việt Nam.

Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ diễn ra vào chiều 25/9 tại Điện Invalides.

Chuyến thăm Pháp lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra đúng vào thời khắc lịch sử hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và vào thời điểm quan hệ hai nước đã chín muồi để tiến tới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.

Trên cơ sở thiết lập nền tảng quan hệ vững chắc sẽ mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất hợp tác song phương Việt Nam-Pháp. Trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng với các nhà lãnh đạo Pháp thảo luận và thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, nhất là đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA đi vào chiều sâu, tạo bước đột phá trong hợp tác phát triển khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo và văn hóa, du lịch giữa hai nước.

(Theo VOV)