Văn Chấn nỗ lực không để cháy rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/10/2013 | 9:09:32 AM

YBĐT - Việc thực hiện chi trả phí DVMTR góp phần để người dân, các tổ chức nâng cao trách niệm, ý thức, phối hợp chặt chẽ hơn giữa chủ rừng với chính quyền địa phương trong bảo vệ rừng, thu nhập từ rừng của người dân vùng có rừng từng bước được cải thiện

Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn đồng bào Mông xã Suối Bu phát dọn đường băng cản lửa PCCCR.
(Ảnh: Văn Thông)
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn đồng bào Mông xã Suối Bu phát dọn đường băng cản lửa PCCCR. (Ảnh: Văn Thông)

"Cũng như các địa phương khác ở miền Tây, cứ vào tháng 10 năm trước tới tháng 4 năm sau, huyện Văn Chấn lại căng mình chống giặc lửa. Thời điểm này gió lào khô hanh thổi mạnh, cùng với đó, đồng bào vùng cao vẫn còn tập quán đốt nương làm rẫy nên rất dễ xảy ra cháy rừng. Nếu chỉ dựa vào lực lượng kiểm lâm thì không thể hoàn thành nhiệm vụ mà cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền xã, thôn, bản, các chủ rừng và nhân dân các dân tộc trong huyện", ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Văn Chấn khẳng định.

Với trên 70.000ha rừng, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, nếu không dựa vào dân, dựa vào các chủ rừng và sự vào cuộc tích cực của các xã, thị trấn thì rất khó trong công tác phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR).

Trước thực tế đó, Văn Chấn đã huy động sức mạnh tổng hợp để bảo vệ rừng, kiểm lâm giữ rừng tại gốc, tuyên truyền, hướng dẫn bà con đốt nương làm rẫy, chính quyền và các chủ rừng đều xây dựng phương án bảo vệ, PCCCR một cách mạnh mẽ, quyết liệt với phương châm "kiểm lâm là nòng cốt, chính quyền cơ sở là chủ đạo, chủ rừng và nhân dân là gốc". Song song với đó là thực hiện có hiệu quả quy ước, hương ước bảo vệ rừng ở cộng đồng dân cư.

Đối với phát nương làm rẫy, nghiêm cấm phát vào diện tích đất, rừng không được quy hoạch, khi đốt nương phải thực hiện theo đúng quy trình. Từ 1.500ha nương rẫy nay bà con ở Văn Chấn đã chuyển sang trồng rừng, trồng ngô vừa mang lại hiệu quả kinh tế lại hạn chế cháy rừng.

Hiện nay, huyện đã củng cố, kiện toàn 34 ban chỉ huy bảo vệ rừng, PCCCR từ huyện tới các xã, thị trấn và các công ty lâm nghiệp với gần 1 ngàn người tham gia; xây dựng hàng chục phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR tại các thôn, bản, kiện toàn 374 tổ, đội bảo vệ và PCCCR với trên 4.133 người tham gia. Đặc biệt, tiến hành ký cam kết, hợp đồng với các chủ rừng nằm trong các lưu vực được nhận tiền phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Qua thống kê, toàn huyện có trên 17.000ha thuộc 21 xã (Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Sơn A, Nậm Mười, Nậm Búng, Gia Hội, Nậm Lành, Tú Lệ, An Lương, Nghĩa Sơn, Sùng Đô, Suối Quyền, Phù Nham, Sơn Thịnh, Thạch Lương, Đồng Khê, Suối Bu, Thạch Lương, Nậm Lành, Suối Giàng, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn) cung ứng DVMTR.

Toàn bộ diện tích này đang được 711 hộ, 67 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ và gần 2.000 chủ rừng trồng kinh tế. Mặc dù số tiền được hưởng lợi từ phí DVMTR không lớn, chỉ ở mức 34 ngàn đồng/ha/năm nhưng đó là nguồn động viên, góp phần tăng thu nhập đồng thời là gắn trách nhiệm với các chủ rừng. Năm 2012, các chủ rừng đã được chi trả trên 515 triệu đồng cho các nhóm hộ, chủ rừng theo đúng quy định, người dân rất phấn khởi, yên tâm phát triển nghề rừng.

Việc thực hiện chi trả phí DVMTR góp phần để người dân, các tổ chức nâng cao trách niệm, ý thức, phối hợp chặt chẽ hơn giữa chủ rừng với chính quyền địa phương trong bảo vệ rừng, thu nhập từ rừng của người dân vùng có rừng từng bước được cải thiện, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực áp dụng chi trả DVMTR giảm đáng kể.

Ngọc Trúc