Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được thông qua vào ngày 28/11

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/11/2013 | 1:57:16 PM

YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, ngày 18/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) và thảo luận ở tổ về dự án Luật phá sản (sửa đổi) và dự án Luật đầu tư công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Cũng trong phiên họp tại Hội trường các đại biểu Quốc hội đã góp ý trực tiếp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) và ghi Phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.

Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản đã nhận được sự nhất trí cao của đại biểu Quốc hội, đạt được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ngày 28/11, Quốc hội sẽ chính thức “ấn nút” thông qua bản Dự thảo này. Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tiếp thu tối đa tất cả những ý kiến xác đáng của đại biểu cũng như nhân dân gửi tới. Sáng nay, các đại biểu tiếp tục đóng góp vào Dự thảo bằng cách ghi trực tiếp trên phiếu.

Chủ tịch Quốc hội nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu, với mục đích để có một Dự thảo tốt nhất, tiếp thu toàn bộ những ý kiến hợp lý, xác đáng của cử tri. Chúng ta có thể yên tâm rằng, mặc dù còn có một số ý kiến khác nhau, nhưng chúng ta đã làm việc hết sức và trách nhiệm của mình, được thể hiện trên tinh thần đa số, theo nguyên tắc tập trung - dân chủ, dân chủ - tập trung”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, vấn đề chính quyền địa phương là rất hệ trọng và được nhiều ý kiến tham gia.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Chúng ta có chính quyền nhân dân, chính quyền địa phương, chính quyền Nhà nước từ thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đến nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Từ Hiến pháp năm 1946 đến nay đã thay đổi nhiều lần. Lần này, chúng ta đứng trước sự cần thiết phải có sự thay đổi, đổi mới trong quá trình Nhà nước nói chung, trong tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương nói riêng. Sự thay đổi, đổi mới này phải mang tính nguyên tắc, làm sao phải kế thừa mà không làm bất ổn tình hình ở các địa phương”. Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật phá sản (sửa đổi) và dự án Luật đầu tư công.

ĐT