Không nên chậm trả phí dịch vụ môi trường rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/11/2013 | 3:02:06 PM

YBĐT - Thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), sau nhiều nỗ lực và thực hiện các bước theo đúng quy trình, từ năm 2012, tỉnh Yên Bái bắt đầu thực hiện chính sách này với số tiền chi trả trên 18 tỷ đồng cho 23.959 tổ chức, cá nhân trồng và bảo vệ rừng.

Nhà máy Thủy điện Thác Bà là một trong những đơn vị thực hiện tốt đóng phí DVMTR.
Nhà máy Thủy điện Thác Bà là một trong những đơn vị thực hiện tốt đóng phí DVMTR.

Chi trả DVMTR là một chính sách mới, các đối tượng sử dụng DVMTR như các nhà máy thủy điện, công ty nước phải có nghĩa vụ nộp tiền phí. Đối với các đơn vị sản xuất điện được tính vào giá thành bán điện với mức thu 20 đồng/kw điện, đối với đơn vị sản xuất nước thu 40 đồng/m3. Tiền phí DVMTR thu được là để bảo vệ, phát triển rừng (BV-PTR) và chi trả trực tiếp cho các tập thể, tổ chức và người dân trực tiếp trồng và BV-PTR nằm trong lưu vực.

Qua đánh giá, thống kê trong năm 2012, toàn tỉnh có trên 23.959 hộ dân được hưởng lợi từ phí DVMTR với số tiền trên 18 tỷ đồng. Theo chức năng nhiệm vụ của mình, Quỹ BV-PTR và các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng DVMTR có trách nhiệm ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng. Thế nhưng cho đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những doanh nghiệp chưa thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, thậm chí chưa ký ủy thác với Quỹ BV-PTR.

Phí dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững hơn.

“Có khá nhiều doanh nghiệp còn nợ hoặc chậm nộp tiền với số tiền cả tỷ đồng. Năm 2013, theo kế hoạch các đơn vị sử dụng DVMTR phải đóng 29.895 triệu đồng. Trong đó: nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà đã nộp 13 tỷ/23,5 tỷ đồng, các doanh nghiệp nội tỉnh phải nộp 6,3 tỷ đồng nhưng đến nay mới nộp chưa đầy 750 triệu đồng. Thậm chí Nhà máy thủy điện Mường Kim, Nhà máy thủy điện Ngòi Hút còn chưa ký hợp đồng ủy thác. Việc chậm nộp tiền phí DVMTR gây ảnh hưởng lớn đến đời sống các chủ rừng, cho đến nay, Quỹ BV-PTR vẫn không thể xây dựng được kế hoạch, đơn giá để chi trả cho các chủ rừng”, ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Phó giám đốc Quỹ BV-PTR nói.

Theo số liệu tài chính của Quỹ BV-PTR rừng, đến ngày 10/10/2013, mới thu ủy thác tiền DVMTR quý I, II đối với Công ty cổ phần thủy điện Hồ Bốn, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Miền Bắc nộp đến tháng 7/2013, Công ty cấp nước Yên Bái nộp quý I, II còn lại là chưa nộp. Như vậy, tổng số tiền các đơn vị chưa nộp phí DVMTR để chi trả cho các chủ rừng là 16,5 tỷ đồng của năm 2013.

Không chỉ chậm trả tiền phí DVMTR của năm 2013 mà ngay cả tiền phí DVMTR của năm 2011, năm 2012 các doanh nghiệp sử dụng DVMTR vẫn nợ, gây khó khăn cho công tác chi trả cũng như tính nghiêm minh của pháp luật. Các doanh nghiệp trung ương thực hiện khá tốt thì các doanh nghiệp tỉnh lại chây ỳ, thờ ơ thiếu trách nhiệm với các chủ rừng.

Phải chăng các doanh nghiệp có ý “ăn quịt” tiền công của những người ngày đêm chăm bẵm, bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi xanh của nhân loại? Cụ thể, Nhà máy thủy điện Hưng Khánh (Công ty TNHH Thanh Bình) 40 triệu 637 ngàn đồng (năm 2011 là 20 triệu 637 ngàn đồng, năm 2012 là 20 triệu đồng), Nhà máy thủy điện Nậm Tục 2 (Công ty TNHH Hoà Bình trên 455 triệu 315 ngàn đồng), Nhà máy thủy điện Nậm Đông 3, 4 (Công ty cổ phần thủy điện Miền Bắc 3) trên 2 tỷ 689 triệu đồng, Nhà máy thuỷ điện Ngòi Hút I (Công ty cổ phần thủy điện Miền Bắc) trên 847 triệu đồng, Nhà máy thủy điện Mường Kim (Công ty cổ phần cơ khí thiết bị điện Hà Nội) 1 tỷ 700 triệu đồng, Nhà máy thủy điện Hồ Bốn 1 tỷ 460 triệu đồng.

Tiền phí DVMTR là một nguồn lực tài chính quan trọng góp phần cùng các nguồn lực khác chi cho các chủ rừng, cộng đồng dân cư, cá nhân được Nhà nước giao công tác quản lý BV-PTR, cho thuê rừng. Do đó, các đơn vị sử dụng DVMTR phải có nghĩa vụ nộp khoản phí này để nâng cao đời sống người dân, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.

Thanh Phúc