Quốc hội thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể về thủy điện

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/11/2013 | 3:02:36 PM

YBĐT - Ngày 27/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể về thủy điện và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp (bao gồm cả nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng) và thảo luận về dự án Luật Đầu tư công.

Quy hoạch thủy điện là nội dung đang được đông đảo cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình vận hành khai thác công trình thủy điện nếu để xảy ra hậu quả thiệt hại, thậm chí phải truy cứu hình sự nếu để xảy ra chết người; phân công trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong quá trình vận hành, khai thác công trình thủy điện.

Với tỷ lệ 88,96% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Theo đó, sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, tổ chức đánh giá tổng thể tình hình các đập, hồ chứa trên toàn quốc trong năm tới.

Tiếp đó, Quốc hội dành thời gian thảo luận về Dự thảo Luật Sửa sổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ). Trong đó tập trung làm rõ một số điều của dự thảo để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, có thể áp dụng ngay; đồng thời đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tạo cách hiểu thống nhất trong triển khai thực hiện. Có ý kiến đề cập quản lý bè, mảng và phân định rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương về các vấn đề liên quan đến giao thông, bảo đảm an toàn giao thông và quy hoạch phát triển giao thông đường thủy.

Các đại biểu cũng cơ bản các ý kiến nhất trí sửa đổi bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung Luật GTĐTNĐ là cần thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường thủy (GTĐT) theo hướng ngày càng hiện đại, đáp ứng các điều kiện mới của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo đảm an toàn GTĐT nói riêng.

Trong đó, vấn đề quản lý đường thủy, phương tiện, quy định đối với việc cấp phép và người điều khiển tàu thuyền, cũng như một số khái niệm trong dự án luật… được các đại biểu quan tâm và đề nghị làm rõ, không quy định chung chung.
 
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất với Luật Giáo dục, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Thủy sản. Trong tổng số 103 điều của Luật GTĐTNĐ năm 2004, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung 36 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 33 điều ở các chương I, II, III, IV, VII, VIII và bổ sung một chương (chương VIIa) với ba điều, chiếm 35% tổng số điều của Luật GTĐTNĐ năm 2004.

Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ hơn phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, nhận diện đầy đủ hơn những hạn chế, bất cập, nguyên nhân của tình trạng trên. Trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan về quy hoạch và quản lý kết cấu hạ tầng, các quy định về “đường thủy nội địa”, “hành lang bảo vệ luồng”, đăng ký, đăng kiểm phương tiện GTĐTNĐ, điều kiện tham gia hoạt động ĐTNĐ, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn GTĐTNĐ, phạm vi trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về hoạt động GTĐTNĐ.

Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết. Với đa số phiếu tán thành, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp (bao gồm cả nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng) và thảo luận về dự án Luật Đầu tư công.

Đức Toàn