YBĐT - Thực hiện chủ trương của Nhà nước cho hộ nghèo vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố Yên Bái đã có 13/17 cơ sở tham gia vay vốn và nhận ủy thác. Từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ giúp cho nhiều hộ gia đình hội viên CCB trên địa bàn thoát nghèo, tỷ lệ hộ hội viên khá và giàu tăng hàng năm.
Ngay sau khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước cho hộ hội viên nghèo vay vốn để sản xuất, kinh doanh (tháng 5/2005), Thành hội đã xây dựng các văn bản hướng dẫn cơ sở thành lập tổ tiết kiệm vay vốn. Hội CCB thành phố đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái mời các cán bộ ngân hàng, phòng nghiệp vụ tham gia giảng dạy, bồi dưỡng cho cán bộ hội cơ sở về các bước thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn, qui trình hoạt động và các điều kiện cho tổ tồn tại, hoạt động theo qui định của pháp luật. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố tiếp nhận 6 xã của huyện Trấn Yên, tổ chức hội có thay đổi, số hội viên tăng lên.
Trong số 17 xã, phường trên địa bàn, đã có 13 cơ sở nhận ủy thác, mỗi cơ sở có từ 2 - 4 tổ vay vốn hoạt động. Nhiều năm qua, Hội CCB thành phố duy trì 45 tổ vay vốn. Từ số dư nợ ban đầu (năm 2005) là 1,7 tỷ đồng, đến nay, số hộ được vay vốn đã tăng lên 991 hộ với tổng dư nợ trên 17,8 tỷ đồng. Đa số các hội viên vay vốn để đầu tư cơ sở chế biến thức ăn gia súc, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh cửa hàng tạp hóa, lương thực, vật tư nông nghiệp… Chủ yếu hội viên vay vốn theo 6 chương trình, trong đó cho vay hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao với trên 8,6 tỷ đồng; vay học sinh, sinh viên trên 4,9 tỷ đồng…
Đồng vốn vay tín dụng ưu đãi được hội viên CCB thành phố sử dụng và phát huy hiệu quả. Chính nhờ nguồn vốn vay này mà nhiều hộ hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, nhiều hộ thoát nghèo và nâng được mức sống lên khá hơn trước. Năm 2008, số hộ hội viên nghèo là 2,34% thì đến năm 2012, tỷ lệ này đã giảm còn 1,23%. Theo đánh giá tại hội nghị CCB làm kinh tế giỏi của thành phố, đã có 60 điển hình tiên tiến tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh doanh, chăn nuôi, dịch vụ…
Về mô hình phát triển kinh tế tổng hợp cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng mỗi năm, có các hội viên Nguyễn Đình Hữu ở xã Minh Bảo, Cấn Đình Quyết ở xã Phúc Lộc, Nguyễn Văn Biên ở xã Âu Lâu. Mô hình chăn nuôi giỏi như hội viên Trần Công Tán ở xã Tân Thịnh, Vũ Văn Bảng ở xã Tuy Lộc, Vũ Văn Hòa ở xã Âu Lâu.
Về mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp phải kể đến hội viên Nguyễn Quang Uyên - xã Văn Tiến sản xuất vật liệu xây dựng có thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm. Hay như mô hình Hợp tác xã 6/12, nhờ vốn vay ưu đãi đã đầu tư máy móc, thiết bị nên năng suất lao động tăng, tạo thêm nhiều việc làm cho con em hội viên.
Hội CCB thành phố là tập thể nhiều năm được Ngân hàng CSXH tỉnh đánh giá là đơn vị làm tốt công tác ủy thác, đứng đầu khối đoàn thể trên địa bàn. Phát huy những kết quả đạt được, Hội tiếp tục chủ động hướng dẫn cơ sở thực hiện tốt hoạt động ủy thác, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên tiếp cận với vốn vay ưu đãi. Đồng thời, tập trung bám sát cơ sở, kiểm tra, củng cố các tổ vay vốn, chỉ đạo giám sát việc sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, nâng cao hiệu quả vốn vay, bảo đảm tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5%.
Trong năm tới, Hội phấn đấu đưa 4 cơ sở còn lại nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH, đưa 100% số xã, phường trên địa bàn có tổ vay vốn, đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra. Hội cũng đặt mục tiêu trong năm tới đưa số dư nợ của hội viên CCB trên địa bàn lên 25- 28 tỷ đồng, tăng từ 5 - 8 tỷ đồng so với hiện nay. Trên cơ sở đó, sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động thi đua sản xuất giỏi, không cam chịu đói nghèo, xây dựng tổ chức hội vững mạnh theo nghị quyết chuyên đề mà Trung ương Hội CCB Việt Nam đã đề ra.
H.V