Quản lý Nhà nước về đo lường, chất lượng trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/12/2013 | 2:51:53 PM

YBĐT - Vàng là hàng hóa đặc biệt, có giá trị lớn mà nhân dân thường sử dụng vào việc trang sức, cất giữ, trao đổi và được coi là tài sản quý trong mỗi gia đình. Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều ý kiến của người tiêu dùng về công tác quản lý Nhà nước về đo lường, chất lượng trong kinh doanh vàng còn nhiều kẽ hở mà thiệt hại luôn thuộc về người tiêu dùng.

Nguyên nhân do chất lượng vàng chưa có tiêu chuẩn thống nhất, nhất là vàng trang sức, mỹ nghệ. Nhiều phản ánh cho biết, khi người dân mua vàng được tính theo tuổi vàng cao nhưng khi có nhu cầu cần bán thì chỉ bán cho chính cơ sở mình đã mua, nếu bán cho cơ sở khác sẽ bị định giá tuổi vàng thấp hơn so với khi mua vào.

Trường hợp này không chỉ xảy ra đối với vàng trang sức mà đối với cả vàng miếng có thương hiệu. Trước đây, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 9 tháng 12 năm 1999 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 174/1999/NĐ-CP song chưa có quy định cụ thể về quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ. Do đó, thị trường kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ còn bị buông lỏng quản lý.

Đây cũng chính là kẽ hở trong hoạt động kinh doanh vàng. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gian lận thì hưởng lợi và rất khó bị xử lý, chưa có quy định thống nhất về thử nghiệm, giám định chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ.

Mỗi doanh nghiệp quy định, sử dụng các loại phương tiện, phương pháp thử khác nhau, dẫn đến cùng một sản phẩm vàng nhưng thử nghiệm, giám định ở các cửa hàng khác nhau thì cho các kết quả khác nhau nên người tiêu dùng mua vàng ở đâu thì phải bán ở đó, nếu không sẽ bị ép giá do sai lệch tuổi vàng, gây khó khăn trong quá trình mua, bán…

Nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh vàng, ngày 3 tháng 4 năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ban hành tiêu chuẩn chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; kiểm tra, thanh tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Ngày 26 tháng 9 năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN Quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/6/2014.

Theo đó, vàng trang sức mỹ nghệ được quy định là vàng có hàm lượng từ 8 kara (tương đương 33,3%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Nếu hàm lượng vàng lớn hơn 999 phần nghìn (0/00) tính theo khối lượng, sản phẩm đó được coi là vàng tinh khiết.

Chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng, với 17 hạng, dao động từ 8 kara (độ tinh khiết không nhỏ hơn 33,3%) đến 24 kara (99,9%). Vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Tiêu chuẩn công bố áp dụng là tập hợp các thông số kỹ thuật và thông tin bắt buộc theo quy định hoặc nội dung cần thiết khác về sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ tự công bố (dựa theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn cơ sở).

Tiêu chuẩn công bố áp dụng là tập hợp các thông tin bao gồm: thông tin về sản phẩm (tên hàng hóa, tên địa chỉ sản xuất hoặc nhà phân phối, nhãn hiệu hàng hóa…); yêu cầu kỹ thuật (khối lượng vàng, hàm lượng vàng, các mô tả đặc điểm riêng của trang sức…); ghi ký hiệu đối với vàng trang sức, mỹ nghệ (ký hiệu G.P, G.F, C hoặc P); thông tin khác (nếu có để làm rõ về sản phẩm hoặc để tránh gây hiểu lầm).

Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ được tổ chức, cá nhân thực hiện theo một trong các cách sau: trên bảng niêm yết giá vàng trang sức, mỹ nghệ; trên bao bì của sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ; trên nhãn hàng hóa của sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ hoặc trên tài liệu kèm theo sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ. 

Bên cạnh việc quy định về nội dung công bố tiêu chuẩn áp dụng, Thông tư này còn quy định chi tiết về đo lường trong kinh doanh vàng; yêu cầu về chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; về nguyên tắc lấy mẫu và phương pháp thử nghiệm xác định hàm lượng vàng; về chỉ định tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng; về chế độ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh vàng; trách nhiệm của cơ sở kinh doanh, tổ chức thử nghiệm và các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường có hiệu lực từ ngày 1/6/2014.

Tin tưởng rằng, với sự tham gia đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chức năng và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở gia công, chế biến, kinh doanh vàng, thị trường kinh doanh vàng, sớm đi vào nề nếp và ổn định. Như vậy, quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của các cơ sở kinh doanh chân chính được bảo vệ, góp phần ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đào Minh Hoa (Phó chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn
- Đo lường - Chất lượng Yên Bái)