Để làm nên chiến thắng lẫy lừng

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/3/2014 | 8:53:09 AM

YBĐT - Khác với nhiều tỉnh, dân công thường chỉ ra trận tiếp vận vũ khí, lương thực trước và trong những ngày quân ta tổng tiến công vào chiến trường Điện Biên Phủ thì dân công Yên Bái đã hướng ra mặt trận từ nhiều năm về trước. Vì vậy, đặc thù tiêu biểu nhất của dân công Yên Bái là dân công tại chỗ.

Dân công tiếp viện cho mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.  (Ảnh tư liệu)
Dân công tiếp viện cho mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu)

Dân công Yên Bái phải hướng ra mặt trận sớm như vậy là vì Yên Bái nằm ở vị trí trọng yếu nơi cửa ngõ miền Tây nên từ khi quay trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã rất coi trọng địa bàn xung yếu này. Chúng xây dựng ở đây dày đặc một tuyến phòng ngự nhằm tới một trong những mục tiêu tối quan trọng là làm chủ vùng rừng núi Tây Bắc nước ta và vùng thượng Lào, tạo thế uy hiếp sang vùng Việt Bắc… Do đó, để từng bước tiến vào, giành thế chủ động ở vùng Tây Bắc, bộ đội ta đã phải từng bước mở nhiều chiến dịch và mỗi chiến dịch ấy đều gắn với sự đóng góp rất lớn của dân công Yên Bái.

Trong dòng ký ức của mình, cụ Phan Thị Thanh ở tổ 24A, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) cho biết, khi mới 17 tuổi, cụ đã xung phong làm dân công tiếp vận cho Chiến dịch Sông Thao mùa hè năm 1949. Chiến dịch này nhằm đập tan toàn bộ hệ thống phòng thủ của Pháp trên tuyến sông Thao.

Chiến dịch kéo dài từ ngày 19/5 đến ngày 18/7/1949 đã mang lại thắng lợi lớn trên toàn tuyến và đây là lần đầu tiên, bộ đội ta thực hiện thành công lối đánh công kiên vào đồn địch ở quy mô cấp tiểu đoàn. Toàn bộ hệ thống đồn bốt của Pháp đã bị gỡ bỏ, trong đó có những đồn lớn trên đất Yên Bái như đồn Dóm, đồn Đại Bục, Đại Phác ở huyện Văn Yên và nhiều đồn khác thuộc huyện Văn Bàn đồng thời đã mở rộng được một vùng tự do rộng lớn ở tỉnh Yên Bái.

Tổng kết chiến dịch, bộ đội đã được dân công cung cấp trên 150 tấn gạo, 8 tấn muối, 60 con bò, hàng trăm con lợn, gần 20.000 ngày công, chưa kể số lượt vận tải thuyền bè qua sông và vận tải phục vụ cho chiến dịch bằng sức ngựa. Với chiều dài toàn bộ tuyến phòng thủ trên 200 cây số thuộc 3 tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, trong đó địa bàn Yên Bái đã chiếm tới một nửa (vì huyện Văn Bàn khi ấy vẫn thuộc Yên Bái) có thể thấy sự đóng góp của dân công Yên Bái là hết sức to lớn.

Kết thúc Chiến dịch Sông Thao, dân công Yên Bái lại bước vào Chiến dịch Lý Thường Kiệt ở thời điểm tháng 9 năm 1951. Mục tiêu của chiến dịch là làm chủ toàn vùng Tây Bắc, trong đó chiếm lĩnh vùng Nghĩa Lộ để chủ động lương thực trong thung lũng Mường Lò và làm điểm trung chuyển quan trọng ra cả vùng Tây Bắc. Chiến dịch thêm một lần nữa khẳng định những đóng góp của người dân Yên Bái.

Để chuẩn bị lương thực cho Đại đoàn 312 chiến đấu, dân công Yên Bái đã vận chuyển một lượng gạo trước khi đi vào mặt trận đủ cho bộ đội với định mức lương thực của 10 ngày chiến đấu và 21kg cho mỗi dân công tiếp vận. Dân công Yên Bái cũng vận chuyển và làm kho gạo dự trữ ở các điểm là Nậm Mười (Văn Chấn) phục vụ Trung đoàn 141 và 209; kho Ca Vịnh (Trấn Yên) phục vụ Trung đoàn 165.

 

Tái hiện hình ảnh người dân công thồ gạo tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). (Ảnh: H.N)

Ngoài ra, dân công còn làm nhiều lán trại cho bộ đội nghỉ ngơi, đóng thuyền và bè mảng đưa bộ đội vượt sông Hồng; huy động trên 500 ngựa thồ để cùng với sức người vận chuyển gần 100.000 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị cho bộ đội ra trận.

Tiếp theo Chiến dịch Lý Thường Kiệt tới Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Chiến dịch này ta đã hầu như làm chủ toàn bộ vùng Tây Bắc. Những đóng góp của nhân dân Yên Bái thật khó kể xiết, đặc biệt trong hồi ức của trung tướng Phạm Hồng Cư. Ông đã vô cùng ngạc nhiên trước những đóng góp của dân công Yên Bái vào đêm ngày 7 tháng 10 năm 1952 khi đại quân ta vượt sông Hồng. Đại đoàn 308, pháo binh vượt bến Âu Lâu và các đơn vị khác qua bến Mậu A, Cổ Phúc. Chỉ có một đêm mà dân công Yên Bái đã chở hết quân của Đại đoàn 308 qua sông.

Ông cho rằng, đây thật là một kỳ tích và cảm động vô cùng khi những người khỏe mạnh đều đi bộ đội và dân công hỏa tuyến, người bơi đò hầu hết là cao tuổi và những cô thôn nữ 15, 16 tuổi. Một kỳ tích nữa là cả một tập đoàn chiến dịch đông tới 5 vạn quân đã vượt sông Hồng tiến vào Tây Bắc mà địch không hề biết. Cho tới 10 ngày sau đó, khi quân ta đã nổ súng tấn công Nghĩa Lộ mà Bộ Chỉ huy của Pháp ở Hà Nội vẫn đinh ninh là Việt Minh sẽ tấn công đồng bằng Bắc Bộ.

Sau khi giành thắng lợi trong Chiến dịch Tây Bắc, quân và dân ta hầu như làm chủ trên mọi mặt trận và Trung ương đã quyết định mở cuộc tấn công chiến lược đông - xuân 1953 - 1954. Lúc này, dân công Yên Bái lại được giao nhiệm vụ nặng nề là mở đường từ Hiên (Tuyên Quang) qua Ba Khe và mở đường 13 từ Ba Khe nối với đường 41 tại Cò Nòi (Sơn La) với tổng chiều dài gần 200 cây số hầu hết là đồi núi, trong đó có đèo Lũng Lô.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, Yên Bái đã huy động gần 125.000 lượt người với gần 174.000 ngày công đào đắp, san lấp hố bom, chống lún, sạt lở, thông suốt huyết mạch ra tiền tuyến.

Nhờ vậy, hàng vạn lượt ô tô, đại bác, xe thồ bảo đảm tiếp ứng cho mặt trận Điện Biên Phủ. Đồng thời, ở thời điểm này, bến phà Âu Lâu cũng trở thành một điểm nhấn chi viện cho tiền tuyến khi ròng rã hàng đêm dưới làn bom đạn địch, thuyền phà vẫn miệt mài chở bộ đội, dân công, vũ khí, lương thực, thực phẩm chi viện cho tiền tuyến.

Những đóng góp ấy đã thực sự góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đồng thời, người dân Yên Bái càng thêm tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ của một tỉnh cửa ngõ Tây Bắc và là hậu phương trực tiếp của chiến trường Điện Biên Phủ.

Hoàng Nhâm