Làm tốt các bước phòng, tránh giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/4/2014 | 8:48:07 AM

YBĐT - Gần 30 nghìn tỷ đồng, gấp trên 2 lần năm 2012 là tổng thiệt hại mà 15 cơn bão với cường độ mạnh đã gây ra cho Việt Nam trong năm 2013.

Thiên tai đã làm 313 người chết và mất tích, 1.150 người bị thương; 6,4 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, trên 692 nghìn ngôi nhà bị  ngập nước, hư hỏng; 88,2 km đê, kè và 894 km đường giao thông bị hư hỏng; gần 8 nghìn cột điện gãy, đổ; hơn 17 nghìn ha lúa và 20 nghìn ha hoa màu bị mất trắng; làm gần 117 nghìn ha lúa và 154 nghìn ha hoa màu hư hỏng.

Đối với Yên Bái, năm qua cũng là năm mà thiên tai gây nhiều hậu quả. Bão lũ đã làm 2 người chết, 11 người bị thương; thiệt hại trên 5.400 nhà, 2.400 ha lúa và hoa màu, nhiều công trình giao thông và thủy lợi bị hư hỏng với tổng giá trị trên 24 tỷ đồng. Trong đó trận tố lốc đêm 30/4/2013 rạng sáng 1/5/2013 trên diện rộng đã làm trên 4.300 ngôi nhà bị sập, tốc mái, 30 nhà bị sập đổ hoàn toàn; hư hỏng trên 400 ha lúa, ngô và rau màu, ước tính thiệt hại đến hàng chục tỷ đồng. Thiệt hại do bão lũ gây ra là vô cùng lớn, nếu chúng ta không có những giải pháp hữu hiệu để phòng, chống.

Dù không mong muốn nhưng mùa mưa bão 2014 lại sắp bắt đầu. Với những biểu hiện cực đoan của thời tiết thì mùa mưa bão năm nay sẽ rất khốc liệt. Biểu hiện là hiện tượng thời tiết diễn biến khá phức tạp, không theo quy luật mọi năm, tháng 2 và tháng 3 miền Bắc mưa liên tục, độ ẩm cao hơn trung bình nhiều năm mỗi tháng từ 5 - 10 ngày, trong khi đó, miền Nam nắng nóng gay gắt, có ngày nhiệt độ lên đến 38 độ C, độ ẩm thấp - trung bình 40 - 50%... Từ đó khẳng định, sự biến đổi khí hậu của trái đất ngày càng tăng và bất thường.

Để giảm thiệt hại về người và tài sản khi mùa mưa bão đến, cùng thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn,  đặc biệt là Chỉ thị 06/CT- UBND ngày 12/3/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiến hành tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2013, khắc phục những mặt hạn chế để bổ sung phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 sát với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong đó cần nhanh chóng củng cố, kiện toàn, bổ sung thành viên ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, nâng cao trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy của ban chỉ huy, của từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất đồng thời phải có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành để đối phó, xử lý trong mọi tình huống; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm phòng, tránh thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân nhằm nâng cao nhận thức phòng tránh và có biện pháp chủ động phòng tránh có hiệu quả; củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, mạng lưới cảnh báo, dự báo đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban trong mùa mưa bão; thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo để có phương án chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu  hộ người, tài sản và công trình khi có sự cố xảy ra; khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét các khu vực ven sông, suối và tuyên truyền vận động những hộ dân chủ động di dời ra khỏi vùng nguy hiểm theo phương án được duyệt…

Trong phòng chống bão lũ, người dân có vai trò rất quan trọng trong việc giảm nhẹ thiệt hại. Cùng tự trang bị cho bản thân cách phòng chống thiên tai, mọi người cần chấp hành tốt quy định của địa phương như: di dời ngay khi có yêu cầu, không sinh sống và lao động sản xuất ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao, không vớt củi, đánh bắt cá trên sông suối khi có lũ… Nếu mỗi người dân có ý thức cao trong phòng tránh bão lũ, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Thanh - Cường