Phòng cháy chữa cháy rừng: Không để bị động, bất ngờ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/4/2014 | 8:51:06 AM

YBĐT - Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng làm thiệt hại 617,1 ha (rừng trồng 615,9 ha; rừng khoanh nuôi tái sinh 1,2 ha) chủ yếu tập trung địa bàn các huyện phía Tây. Thiệt hại lớn nhất là huyện Trạm Tấu xảy ra 2 vụ cháy tại hai xã Bản Mù và Túc Đán với diện tích lên đến 554,5 ha.

Mặc dù nguyên nhân đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, song theo ngành chức năng, ngoài yếu tố bất lợi về thời tiết hanh khô thì nguyên nhân chủ yếu vẫn  do con người, người dân khi phát nương làm rẫy đã để lửa lan vào rừng. Khi xảy ra các vụ cháy, dù lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã được huy động theo phương châm “4 tại chỗ” nhưng rất khó để dập tắt lửa.

Từ các vụ cháy rừng vừa qua cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) còn nhiều vấn đề. Về phòng cháy, việc tuyên truyền ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức; công tác quản lý nơi đồng bào còn có tập quán đốt nương rẫy chưa chặt chẽ; các địa phương chưa thường xuyên kiểm tra công tác PCCCR ở các thôn bản, nhất là những ngày cao điểm dễ xảy ra cháy rừng; phương án chuẩn bị sẵn sàng phòng cháy còn thiếu hiệu quả, nhất là các thôn bản vùng cao xa khu dân cư.

Về công tác chữa cháy còn rất nhiều bất cập, do lực lượng mỏng, trang thiết bị phục vụ chữa cháy thô sơ thiết bị phần lớn là thủ công tự túc; khi xảy ra cháy còn lúng túng, bị động…

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, dù đã cuối mùa khô hanh nhưng thời tiết còn những diễn biến phức tạp. Để công tác phòng cháy chữa cháy rừng thật sự hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về PCCCR và bảo vệ phát triển rừng. Các địa phương vùng cao nơi người dân có tập quán đốt nương làm rẫy cần tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy gần rừng; quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt rẫy và những hành vi dùng lửa khác; hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy theo quy hoạch.

Ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương; đầu tư trang thiết bị phục vụ chữa cháy; tổ chức diễn tập các phương án PCCCR và tìm kiếm cứu nạn sát với tình hình thực tế theo phương châm “4 tại chỗ” để khi xảy ra cháy không bị động, bất ngờ để dập tắt đám cháy nhanh nhất.

 Với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng về công tác PCCCR, thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cần khởi tố, điều tra làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ sở để xảy ra cháy rừng.

Văn Thông