Chủ động phòng chống bệnh dại

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/4/2014 | 3:17:01 PM

YBĐT - Được đánh giá là bệnh truyền nhiễm gây chết người đáng sợ nhất, bệnh dại được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào hạng thứ 12 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong.

Ở nước ta trong những năm gần đây, bệnh đang có chiều hướng gia tăng và thực sự là mối nguy hiểm lớn cho người và vật nuôi. Trung bình mỗi năm có khoảng 15.000 - 18.000 người bị chó dại cắn buộc phải tiêm phòng. Ở Yên Bái, hàng năm đều có người chết do bị chó dại cắn vì cho đến nay, vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu khi bệnh đã bộc phát.

Dù chưa chính thức vào mùa bùng phát, nhưng theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có trên 970 ca phơi nhiễm bệnh, thấp hơn cùng kỳ năm 2013 nhưng vẫn cao hơn 3 lần so cùng kỳ năm 2012. Số ca phơi nhiễm tăng đột biến tại huyện Lục Yên (288 ca) và Văn Chấn (301 ca), còn lại rải rác tại các địa phương...

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do người dân vẫn còn thói quen thả rông chó, mèo, không tiêm phòng dịch…; sự hiểu biết về bệnh dại của một bộ phận người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, dẫn đến chủ quan, thờ ơ.

Để phòng, chống bệnh dại, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Y tế tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại, huy động sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân đối với công tác này; chỉ đạo y tế tuyến huyện duy trì, củng cố mạng lưới phòng chống và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người trên địa bàn, đưa công tác phòng, chống bệnh là nhiệm vụ ưu tiên...

Tuy nhiên, trên thực tế công tác này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do một số bộ phận người dân vẫn chưa chấp hành việc nuôi, nhốt chó, mèo theo qui định; chưa nhận thức đầy đủ về đường lây truyền của bệnh dại từ súc vật sang người dẫn đến tình trạng giết mổ chó ốm, chó nghi dại, chó chết để ăn vẫn khá phổ biến, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó nuôi rất thấp, chưa đủ hiệu lực phòng bệnh…

Đã sắp bước vào mùa nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là điều kiện thuận lợi để virut bệnh dại phát triển và lây lan mạnh trên chó, mèo. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dại, các địa phương cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống như cấm vận chuyển chó, mèo vào, ra khỏi địa bàn để giảm thiểu khả năng lây lan của bệnh; đẩy mạnh công tác truyền thông các biện pháp phòng chống bệnh và duy trì tốt các điểm tiêm phòng; vận động nhân dân tiêm phòng cho vật nuôi, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo đúng qui định của Nhà nước.

Thanh Tân