Mãi xứng danh "Thành đồng biên giới"!

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/4/2014 | 3:03:34 PM

YBĐT - Tháng 4 lịch sử, trở lại xã Khánh Thiện (Lục Yên) - nơi gắn liền với sự kiện lịch sử thành lập Trung đoàn 165 (“Trung đoàn Thành đồng biên giới”, danh hiệu do Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng), trong mỗi chúng tôi - thế hệ trẻ hôm nay không khỏi xúc động, tự hào, lòng đầy biết ơn về những công lao to lớn mà thế hệ cha anh đã làm nên.

Di tích lịch sử đồi cọ thôn Tông Áng xã Khánh Thiện (Lục Yên).
Di tích lịch sử đồi cọ thôn Tông Áng xã Khánh Thiện (Lục Yên).

Tự hào những chiến công

Theo chân ông Hoàng Văn Bội, 89 tuổi - một trong những chiến sỹ năm xưa của Trung đoàn 165 đến thăm đồi cọ thôn Tông Áng, xã Khánh Thiện (Lục Yên) - nơi ghi dấu sự ra đời của Trung đoàn 165 vào ngày 16/5/1948, chúng tôi được nghe ông xúc động kể lại: “Ngày đó, Khánh Thiện là một vùng núi non hiểm trở, đường sá đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên, với bộ đội ta thì đây là nơi đóng quân, giấu quân lý tưởng. Từ Khánh Thiện, quân ta có thể tỏa đi khắp nơi như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lục Yên, xuôi theo sông Chảy để tiêu diệt quân thù, còn với kẻ địch thì lại rất khó để có thể lọt vào khu vực này. Vì thế, Khánh Thiện đã trở thành căn cứ cách mạng, là nơi Trung đoàn 165 xuất phát đi diệt thù, lập nên những chiến công hiển hách”.

Theo các nguồn tài liệu ghi lại, từ cuối năm 1947, đầu năm 1948, thực dân Pháp đã đẩy mạnh chiến lược xâm chiếm toàn bộ tỉnh Lào Cai, một phần tỉnh Yên Bái và Hà Giang để làm bàn đạp tấn công vùng Việt Bắc. Nắm được âm mưu của địch, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định chỉ thị 3 tiểu đoàn: 115 Yên Bái, 564 Lào Cai, 542 Hà Giang nhận lệnh rút về thôn Tông Áng, xã Khánh Thiện (Lục Yên) tập trung thành Trung đoàn 165. Nhiệm vụ của Trung đoàn là tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai thuộc 2 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai; bảo vệ đường biên giới Việt - Trung từ Hà Giang đến Lào Cai.

Với lòng yêu nước và ý chí quật cường, vượt qua những gian nguy, thử thách, ngay sau khi thành lập, Trung đoàn 165 đã liên tục lập những chiến công to lớn. Trong kháng chiến chống Pháp, trung đoàn đã đánh trận giải phóng hoàn toàn đồn Yên Bình xã - Nghĩa Đô, giải phóng huyện Bắc Hà, giải phóng tỉnh lỵ Lào Cai; trực tiếp tham gia Chiến dịch Lê Hồng Phong, Chiến dịch Hòa Bình, Chiến dịch Lý Thường Kiệt, Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến sỹ Trung đoàn 165 trước giờ xung trận Điện Biên. (Ảnh: tư liệu)

Phát huy truyền thống anh hùng

Vinh dự là nơi được chọn để thành lập Trung đoàn 165 - “Trung đoàn Thành đồng biên giới”, trong suốt những năm kháng chiến, xã Khánh Thiện cũng đã trở thành hậu phương vững chắc, thường xuyên chi viện cả sức người, sức của cho tiền tuyến.

Ông Hoàng Văn Bội cho biết thêm: “Chiến tranh gian khổ, hiểm nguy, mọi thứ đều thiếu thốn, nếu không được sự ủng hộ, giúp đỡ, bao bọc của nhân dân xã Khánh Thiện thì các cán bộ, chiến sỹ, bộ đội ta gặp khó khăn hơn rất nhiều. Bà con có thứ gì cũng chia cho bộ đội từ củ sắn, củ khoai đến cây kim, sợi chỉ. Bộ đội ốm, bộ đội bị thương, bà con trông nom, chăm sóc như người con trong nhà…”.

Trong lá thư gửi Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Lục Yên ngày 12 tháng 10 năm 1995, trung tướng Lê Thùy (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165 khi mới thành lập) đã viết: “… Để nhớ về cội nguồn nơi thành lập Trung đoàn tại xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên cũng như là hậu phương đầy tình nghĩa mà Trung đoàn từ đó xuất phát đi diệt thù, lập nên những chiến công to lớn, trong đó có công không nhỏ của huyện nhà, đặc biệt là đồng bào xã Khánh Thiện…”.

 Phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng năm xưa, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Khánh Thiện  luôn đoàn kết, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất gắn với phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và phát triển các ngành nghề phụ, dịch vụ thương mại, đến nay, kinh tế của xã đã có nhiều thay đổi, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Ông Hoàng Văn Bội - một trong những chiến sỹ của Trung đoàn 165 có nhiều thành tích trong chiến đấu.

Ông Vi Văn Bách - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Là xã vùng 2, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao, hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 4% - 5%; 100% các hộ đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, 70% - 80% có phương tiện nghe nhìn và xe máy, trên 70% có nhà xây và nhà gỗ vững chãi; 100% trẻ được đến trường đúng độ tuổi; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm giảm”.

Là cán bộ nông nghiệp đồng thời cũng là người con của quê hương Khánh Thiện, anh Hoàng Văn Sơn - sinh năm 1988, dân tộc Tày bày tỏ: “Tôi cảm thấy tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên quê hương Khánh Thiện. Tôi luôn tự hứa sẽ cố gắng ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ! Với vai trò là cán bộ nông nghiệp, tôi thường xuyên vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đồng thời cũng sẽ tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

 H.O