Tăng cường hiệu quả Quy chế phối hợp quản lý doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/6/2014 | 2:29:37 PM

Quy chế phối hợp quản lý hoạt động của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và hộ kinh doanh (KD) đã được Cục Thuế tỉnh và Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT) ký ngày 10/9/2011. Đây là cơ sở pháp lý để hai ngành thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin, nhằm tham mưu cho tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp DN, HTX, hộ KD phát triển ổn định và bền vững.

Kết quả sau gần 3 năm thực hiện

Tính đến hết tháng 4/2014, sau gần 3 năm phối hợp thực hiện, 2 ngành đã giao dịch, trao đổi thông tin đối với 1.440 lượt DN, trong đó, có 248 DN đăng ký mới; 126 đơn vị đăng ký phụ thuộc; 835 đơn vị thay đổi nội dung đăng ký KD; 18 DN chuyển địa điểm KD; 68 DN tạm ngừng hoạt động; 63 DN đóng cửa và 82 DN tái hoạt động. 

Trên cơ sở số liệu cấp đăng ký KD của Sở KH&ĐT, Cục Thuế đã tiến hành rà soát, đối chiếu, xác minh từng trạng thái của DN. Qua đó, đã phát hiện 125 DN có đăng ký KD nhưng không đăng ký mã số thuế hoặc ở trạng thái đang hoạt động trên ứng dụng quản lý thuế, nhưng thực tế không còn hoạt động hoặc vẫn ở trạng thái hoạt động, chưa thu hồi giấy phép KD, nhưng trên ứng dụng quản lý thuế đã đưa vào trạng thái ngừng hoạt động để Sở KH&ĐT xem xét thu hồi giấy phép KD; Sở KH&ĐT đã ban hành 287 thông báo vi phạm, quyết định thu hồi giấy phép KD và chấm dứt hoạt động.

Thông qua việc đối chiếu, kiểm tra giữa chi cục thuế và phòng đăng ký KD cấp huyện đã phát hiện, xử lý số liệu chênh lệch đối với 147 HTX và hơn 6.000 hộ KD đang hoạt động, tạm ngừng hoạt động hoặc bỏ trốn và làm rõ nguyên nhân các số liệu chênh lệch. Trên cơ sở này, đề nghị cơ quan quản lý cấp trên có giải pháp xử lý.

Năm 2013, ngành thuế đã chủ động phối hợp với Sở KH&ĐT tổ chức hội nghị đánh giá năng lực tài chính, kế toán của DN trong tỉnh. Qua đó, giúp các ngành chức năng có cái nhìn tổng quan về tình hình hoạt động và những nỗ lực vượt khó để duy trì sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN. Tuy nhiên, qua kết quả đánh giá này cũng thấy được thực trạng là đại đa số DN đều hoạt động bằng vốn vay nên giá trị gia tăng không cao và sự thiếu hụt về kiến thức quản trị DN đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả SXKD.

Bên cạnh việc trao đổi thông tin đăng ký DN, giúp Sở KH&ĐT nắm bắt, tổng hợp số liệu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Cục Thuế đã thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình thu nộp ngân sách, số nợ đọng thuế, tình hình tài chính của DN. Trên cơ sở đó, 2 ngành đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh đề ra chủ trương, giải pháp và chỉ đạo các ngành cùng phối hợp giải quyết, tạo điều kiện cho DN phát triển ổn định và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế; phối hợp xử lý trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và hướng dẫn thủ tục cấp mã số thuế đối với các DNNN, DN đầu tư nước ngoài không thực hiện qua cơ chế "một cửa liên thông"; đối với các DN đầu tư nước ngoài hoạt động không hiệu quả, không thực hiện kê khai thuế, Cục Thuế đã tiến hành xác minh và thông báo để Sở KH&ĐT làm thủ tục thu hồi giấy phép đăng ký KD.

Tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, mỗi ngành đã chủ động trao đổi thông tin, cung cấp và hỗ trợ các quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký KD, đăng ký thuế đối với DN thành lập mới cũng như những thông tin thay đổi đăng ký KD, tạm ngừng hoặc khôi phục hoạt động; nâng cao trách nhiệm trong việc rà soát, phân loại trạng thái, đối chiếu số lượng DN, HTX và hộ KD thực tế đang hoạt động để có biện pháp xử lý, làm cơ sở để chuẩn hóa dữ liệu quản lý trên hệ thống ứng dụng của ngành thuế; tăng cường đối thoại với DN để tháo gỡ vướng mắc; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời uốn nắn và xử lý hành vi vi phạm. Từ đó, tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý giữa Cục Thuế và Sở KH&ĐT, giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế

Mặc dù việc thực hiện Quy chế đã đạt được những kết quả nhất định, song sự phối hợp ở cấp huyện hiệu quả đạt được chưa cao. Việc theo dõi tình hình hoạt động của DN còn mang tính hình thức, chưa đồng bộ; công tác đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện Quy chế chưa được quan tâm đúng mức, có nơi còn buông lỏng, phối hợp còn rời rạc; công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động cũng chưa thật hiệu quả; công tác sơ kết  phối hợp hàng năm chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục nên việc đánh giá, rút kinh nghiệm chưa kịp thời.

Để giải quyết những tồn tại này, trong thời gian tới, 2 ngành tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế ở cấp huyện để phát hiện và xử lý sai sót; theo dõi, đôn đốc giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của DN; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Quy chế định kỳ hàng năm để điều chỉnh những bất hợp lý trong quá trình phối hợp; tăng cường chỉ đạo, điều hành theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng ngành; nhân rộng những kinh nghiệm hay, những sáng kiến có tính ứng dụng cao trong công tác quản lý; duy trì tốt chế độ thông tin, báo cáo, tạo sự thống nhất trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh ở địa phương.

Tổ chức thực hiện tốt hơn những qui định về nội dung, phương thức, thời gian phối hợp giữa 2 ngành trong quản lý cung cấp thông tin; đối chiếu số liệu đối tượng đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký KD, giấy chứng nhận đầu tư và quản lý thuế theo quy định của pháp luật; tình hình hoạt động và xử lý kịp thời các đơn vị đã được cấp đăng ký KD nhưng không hoạt động hoặc không đăng ký thuế hoặc có KD, đăng ký thuế nhưng không làm thủ tục đăng ký KD, đảm bảo thống nhất về số lượng DN đang hoạt động; tiếp tục phối hợp làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với DN, HTX và hộ KD trên địa bàn.

Linh Nhung