Phải chăng đây là hình hài mới của "bệnh" thành tích?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/6/2014 | 2:45:38 PM

YBĐT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã khép lại trong nhiều cảm xúc. Cảm xúc về một kỳ thi đổi mới với những đề thi mang hơi thở của cuộc sống; về lần đầu tiên trong "lịch sử" thi cử (THPT), thí sinh được quyền tự chọn nửa số môn thi trong cả tám môn văn hóa của chương trình cuối cấp. Cái hay của tự chọn là học sinh được lựa chọn môn mà mình học hành khả thi hơn. Có nghĩa là, kết quả điểm thi tốt nghiệp năm nay sẽ cao và cao hơn những năm trước. Như vậy, không chỉ thí sinh mà ngay cả các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và xã hội cũng sẽ rất vui!

Tuy nhiên, cảm xúc này cũng là sự bắt đầu cảm xúc khác. Vui vẻ, nhưng đúng là còn nhiều ngẫm nghĩ. Người ta thống kê, trong tổng số trên 900.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay của cả nước, tỷ lệ thí sinh chọn thi môn Lịch sử chưa đầy 12%. Khá nhiều trường THPT chỉ có dăm bảy em chọn thi, thậm chí có những trường chỉ có một em, có hội đồng coi thi  hàng chục cán bộ coi thi và hệ thống cơ sở vật chất, an ninh trật tự chỉ phục vụ cho một thí sinh thi môn Lịch sử (cũng là chuyện lần đầu trong "lịch sử" thi cử - THPT).

Dư luận đồng thanh lên tiếng, có người đã xót thương cho môn học và cả những người giảng dạy môn khoa học xã hội này. Quá vội vàng chăng? Cần biết rằng, con số 12% trong tổng số các thí sinh chọn thi môn Lịch sử của cả nước còn thấp hơn Yên Bái. Số liệu phân tích của ngành giáo dục - đào tạo, trên 7.500 thí sinh đăng ký dự thi của Yên Bái trong kỳ thi vừa qua có tới 24% chọn môn Lịch sử, đặc biệt có nơi tỷ lệ học sinh đăng ký thi môn khoa học xã hội này (cùng với môn Địa lý) là ... 100%.  Cùng với Yên Bái, ở nhiều tỉnh miền núi, khá nhiều trường THPT tỷ lệ học sinh đăng ký thi môn Lịch sử tới ba, bốn chục phần trăm.

Từ tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Lịch sử ở Hà Nội, Nghệ An... nhiều người  băn khoăn: phải chăng khả năng học môn Lịch sử (cùng môn Địa lý) của học sinh cuối cấp ở những trường này khá hơn học sinh các trường vùng thấp, đô thị? Hay ngược lại, là ở thành phố, thị xã với những điều kiện tốt hơn nhưng học sinh học môn Lịch sử kém hơn ở vùng cao, miền núi sao? Có ý kiến rằng, học sinh thành phố, thị xã rất thực tế, cho rằng môn học này không "ăn thua" gì cho việc "kiếm cơm" sau này nên chẳng mấy ai chú tâm, coi trọng học hành; thời gian, công sức dành cho các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa, Sinh và Ngoại ngữ nên không chọn thi và ít thi là đúng. Nếu nói như thế thì học sinh ở những nơi 100% hay các em chọn thi môn Lịch sử thì nhận thức, tư duy ra rời, thiếu tính thực tế hay sao? Các em tự chọn môn thi, vì thực sự thích thú, do học lực, để vượt qua kỳ thi dễ dàng hay còn vì một lý do nào khác? Vấn đề này đã “nóng” tại nghị trường Quốc hội, khi tại phiên chất vấn Bộ trưởng bộ Giáo dục - Đào tạo, nhiều câu hỏi đã được các đại biểu đưa ra trong đó nhiều đại biểu tỏ ra rất băn khoăn về những hệ lụy “nhãn tiền” đổi mới của kỳ thi năm nay đem lại.

Nói gì thì nói, kỳ thi đã khép lại. Cảm xúc chủ đạo là cảm xúc tích cực về một kỳ thi với nhiều đổi mới, từng bước thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo. Nhưng với không ít người tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, cảm xúc dường như chưa trọn vẹn. Liệu có thấp thoáng đó đây một kiểu hình hài mới của căn bệnh thành tích mà ngành giáo dục đào tạo và xã hội đang quyết tâm bài trừ, loại bỏ? Chưa ai đọc tên, chỉ đích danh nó mà chỉ mường tượng thấy một kiểu hình hài chưa được gọi tên, nên thành ra vui vẻ mà cũng rất ...  băn khoăn. Một sự đổi mới mang tính căn bản, có thể đang tạo ra những "hiệu ứng" không mong muốn trong thi cử, nhất là ở vùng miền núi, vùng khó khăn. Và khắc phục những "hiệu ứng" này, có phần trách nhiệm rất cao của ngành giáo dục - đào tạo các địa phương.

Tuấn Anh