Đăng ký xe máy điện: Khó khăn “nhận diện”

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/6/2014 | 8:59:44 AM

YBĐT - Đã một tháng kể từ khi Thông tư 15 của Bộ Công an có hiệu lực qui định bắt buộc xe máy điện phải đăng ký biển số nhưng hiện tại, trên địa bàn chưa có một xe máy điện nào đến cơ quan công an làm thủ tục đăng ký.

Các xe máy điện lưu thông trên đường vẫn chưa được gắn biển số.
Các xe máy điện lưu thông trên đường vẫn chưa được gắn biển số.

Qua tìm hiểu, đa phần người dân còn khá mơ hồ về qui định trên, đồng thời lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong xác định, phân biệt giữa xe máy điện và xe đạp điện.

Sử dụng xe máy điện chủ yếu vẫn là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, những đối tượng này thường đi tốc độ cao, lạng lách, chở quá số người qui định, làm tăng các nguy cơ về tai nạn giao thông. Để siết chặt hoạt động và tăng cường giám sát, quản lý phương tiện này, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 15. Theo đó, từ 1/6 bắt buộc xe máy điện phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông. Nếu không, sẽ bị phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Bên cạnh đó, thông tư này còn “cởi mở” với những xe đã sử dụng trước ngày 1/7/2009 không có chứng từ nguồn gốc hoặc chứng từ chuyển nhượng không đảm bảo quy định chỉ cần chủ xe cam kết, kèm theo xác nhận của chính quyền địa phương. Đương nhiên với những loại xe máy điện mua sau thời điểm 1/7/2009, bắt buộc phải có giấy tờ hợp lệ theo quy định mới được cơ quan công an cấp giấy đăng ký biển kiểm soát. Mặc dù vậy, thực tế, rất nhiều xe máy điện đang lưu thông trên đường thời điểm này vẫn chưa được gắn biển số. Trong khi đó, những người sử dụng xe máy điện rơi vào tình trạng bất an, bởi thủ tục đăng ký, giấy tờ như thế nào vẫn không biết hỏi ai.

Anh Nguyễn Văn Long ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: “Năm 2010, tôi có mua một chiếc xe máy điện nhưng chuyển nhà mấy lần nên không nhớ giấy tờ thất lạc ở đâu. Bây giờ bắt buộc xe này phải lắp biển số như xe máy, tôi cũng chưa biết làm thế nào”.

Qua trao đổi với ngành chức năng, để được đăng ký, xe máy điện phải có nguồn gốc hợp pháp và có chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật. Theo đó, khi nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan, nộp thuế theo quy định. Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhập khẩu, phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Tuy nhiên hiện nay, đa phần người sử dụng loại xe này đều không còn đủ hồ sơ, khiến việc đăng ký biển kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc phân biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện cũng còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong xử phạt cũng như quản lý loại phương tiện này.

Thông thường cách đơn giản để phân biệt xe đạp điện và xe máy điện là ngoại hình. Xe máy điện thường có thiết kế cầu kỳ, tương tự như những mẫu xe tay ga, kích thước lớn. Còn xe đạp điện thiết kế thô sơ, có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 25km/h, khối lượng xe bao gồm cả ắc quy dưới 40kg, có công suất không quá 250W và có cơ cấu trợ lực bằng bàn đạp khi hết điện. Trong khi đó, xe máy điện là loại xe có động cơ điện công suất không lớn hơn 4KW, vận tốc thiết kế không lớn hơn 50km/h và không có bàn đạp.

Theo Thượng tá Trần Ngọc Tuấn - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, cơ quan công an sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân đến làm thủ tục đăng ký biển kiểm soát cho xe máy điện theo đúng quy định. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và những giấy tờ theo quy định. Bên cạnh đó, vì không có số khung, số máy, nên xử phạt xe máy điện cũng hết sức khó khăn, vì hầu hết xe đều giống nhau, nên khi giữ xe, trả xe vi phạm sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, người sử dụng chủ yếu là học sinh dưới 16 tuổi.

Thượng tá Trần Ngọc Tuấn cho biết thêm: “Thời gian tới, Phòng sẽ tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện đăng ký biển kiểm soát cho xe máy điện, đồng thời phối hợp với các ngành hoàn thiện thủ tục hồ sơ làm cơ sở quản lý tốt hơn loại phương tiện này”.

Qui định xe máy điện phải đăng ký biển kiểm soát là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn giúp các ngành chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra loại phương tiện này. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy nhiều bất cập. Do vậy, đã đến lúc các cơ quan, ban ngành cần ngồi lại, họp bàn để tìm ra giải pháp tốt nhất để triển khai có hiệu quả qui định này.

Hùng Cường