Người thương binh giàu lòng nhân ái

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/7/2014 | 2:44:06 PM

YBĐT - “Tôi muốn truyền dạy nghề cho những người cùng cảnh ngộ, tạo việc làm cho con em gia đình nghèo, đặc biệt là con em cựu chiến binh, những người tàn tật để giúp các cháu có việc làm phù hợp nuôi sống bản thân” - đó là tâm sự của anh Phạm Anh Dũng - Tổ trưởng tổ 32b, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái), người vừa vinh dự là một trong 40 tấm gương tiêu biểu được tuyên dương về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của phường Đồng Tâm bởi tấm lòng nhân ái.

Anh Phạm Anh Dũng.
Anh Phạm Anh Dũng.

Anh Dũng chia sẻ: “Trước kia tôi là công nhân Nông trường chè Trần Phú. Năm 1982, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi đã tham gia tòng quân tại đơn vị C6 D2 E876 F356. Năm 1984, tôi bị thương tại mặt trận biên giới Hà Giang. Trong thời gian trị thương, tôi tranh thủ học lớp nghề sửa chữa điện tử tại Trường Dạy nghề Việt Nam - Ba Lan do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức”. Năm 1990 xuất ngũ, trở về địa phương, anh kết duyên cùng cô giáo Đặng Thị Hương.

Cuộc sống khó khăn nhưng chưa bao giờ anh lùi bước. Phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, anh bắt tay vào làm kinh tế. Anh mở một cửa hàng sửa chữa đồ điện tử. Ban đầu, cơ sở của anh thiếu thốn đủ thứ. Hai vợ chồng anh chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của vợ và phụ cấp thương binh của anh. Anh bàn với vợ vay mượn từ bạn bè, gia đình và vay vốn ngân hàng mở rộng cửa hàng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và học hỏi, nâng cao tay nghề, dần dần khách hàng đến với anh ngày càng một đông.

Khi thu nhập đã có đồng ra đồng vào và có phần để dành, anh mở rộng thêm quy mô cửa hàng thành một cơ sở sửa chữa lớn hơn. Quan trọng hơn, anh đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng truyền nghề cho những người cùng cảnh ngộ, tạo việc làm cho con em gia đình nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em cựu chiến binh.

Từ năm 2000 đến nay, cơ sở dạy nghề sửa chữa điện tử của anh Dũng đã đào tạo nghề cho hàng trăm lao động có việc làm, có thu nhập ổn định. Một số học trò của anh còn có thể tạo cơ sở riêng cho mình và bước đầu tự nuôi sống bản thân và gia đình. Mục đích hàng đầu khi mình mở ra cơ sở dạy nghề sửa chữa điện tử này của anh Dũng không gì khác là mong muốn được chia sẻ, truyền thụ lại cái nghề đã được học, giúp nhiều người, nhất là những người tàn tật, khiếm khuyết có việc làm ổn định, nuôi sống bản thân. Những suy nghĩ và việc làm ấy đã vẽ nên một nét đẹp nữa về những cựu chiến binh như anh Dũng – nét đẹp của lòng nhân ái.

Minh Huyền