Học thêm

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/10/2014 | 9:07:24 AM

YBĐT - Ở đời, thường ai cũng nhiều ham muốn và muốn thêm hơn là muốn bớt đi. Lương cao, muốn cao hơn. Có nhà, muốn nhà rộng hơn. Có đất, muốn có nhiều đất hơn. Vật chất là vậy, tinh thần cũng thế.

Học thêm thì khác. Xét góc độ nào đó, học để bổ sung  thêm kiến thức thường do ý chí quyết tâm của người học, có khi là tự học, đây là điều rất tốt. Còn học thêm ngoài giờ, ngoài buổi chính khóa cũng bổ sung, tăng thêm kiến thức nhưng có khi ngoài ý chí chủ quan của người học lại là điều khác.

Ngày xưa không có học thêm ngoài chính khóa. Trò học xong trên lớp, về tự ôn kiến thức. Ngày nay, học thêm ngoài giờ, ngoài buổi chính khóa rất phổ biến. Học thêm là đến nhà thầy cô giáo để học, nhiều khi là học trước bài, học trước chương trình. Thầy là người quyết định tổ chức học thêm nhằm bổ sung kiến thức trò quá hổng, hoặc nâng cao, như kèm học sinh yếu, luyện học sinh giỏi.

Có khi trò quyết định thầy nếu trò ham học, nhờ thầy dạy thêm. Có khi cha mẹ trò quyết định cả thầy lẫn trò khi họ quá bận bịu hoặc không đủ kiến thức, khả năng sư phạm kèm con học ở nhà nên nhờ thầy dạy thêm, đỡ lo quản con, con lại thêm kiến thức. Có khi chẳng ai quyết định mà do tin đồn quyết định. Tin truyền, miệng truyền nơi nọ, nơi kia thầy cô dạy giỏi, uy tín lắm, sao anh chị không cho con đi học, thời buổi này không học thì chết, không xin nhanh thì hết suất ... Thế là, anh ơi, chị ơi có quen giúp em với. Xoay tiền triệu. Chiều, tối, ngày nghỉ sấp ngửa đưa con đi học.

Cứ theo tư duy thêm được là tốt thì học thêm dù do thầy, trò, phụ huynh hay tin đồn quyết định thì vẫn tốt hơn không đi học thêm. Nhưng ở đời, cái gì tốt cũng lại bị biến tướng. Một thời xã hội phản đối rầm rầm dạy thêm, học thêm. Đó là những nơi thầy cô giáo “lùa” học sinh đến học thêm, ý tốt thì ít, ý khác cũng nhiều.

Dạy thêm, học thêm bị lên án và đưa vào khung quản lý, giám sát của ngành, địa phương, tổ dân phố. Thế mới có chuyện, trò đi học thêm buổi tối không dám đeo cặp, phải xách túi ni lon (sách, vở, bút...) loăng quăng như đi chơi, tránh sự phát hiện của những người giám sát. Bây giờ, chưa thấy có nhu cầu học thêm ở mẫu giáo chứ từ tiểu học đến THPT thì học thêm là một “nhu cầu” cấp thiết rồi.

Chưa biết chọn từ gì nên cứ dùng tạm cụm từ “chạy theo” để mô tả sự vất vả của các thầy cô giáo. 4 giờ, 8 giờ trên lớp, chiều tối về lại nói, viết 3, 4 tiếng đồng hồ nữa. Cha mẹ học sinh, ngày 8 giờ làm, tối lại rong xe đưa đón con đi học. Học sinh nửa ngày, cả ngày trên lớp, tối về cơm vội để đi học. Phải ca học từ 5h30 đến 7h30 có khi nhịn. Học về, lăn quay ra ngủ, hôm sau cứ bơ phờ như ông giáo Thứ trong truyện ngắn của Nam Cao. 

Không hẳn, cái gì cứ thêm nhiều là tốt. học thêm cũng vậy!

Tuấn Anh